Thí điểm vận hành sàn giao dịch carbon từ tháng 6/2025

Thái Tuấn

Dự kiến, đến tháng 6/2025 khuôn khổ pháp lý cho giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon sẽ được hoàn thiện, tạo cơ sở triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon.

Nông dân có thể thêm thu nhập nếu tín chỉ carbon lúa được định giá cao.
Nông dân có thể thêm thu nhập nếu tín chỉ carbon lúa được định giá cao.

Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, được phê duyệt tại Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ thành lập, phát triển thị trường carbon theo mô hình tập trung, đảm bảo nguyên tắc thị trường dưới sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Việc này nhằm tăng chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, nâng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Cụ thể, từ tháng 6/2025 đến hết 2028, sàn giao dịch carbon trong nước sẽ được vận hành thí điểm. Sau 03 năm, sàn sẽ được vận hành chính thức. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước theo các tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính phối hợp xây dựng.

Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm hai loại, là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận. Mỗi hàng hóa sẽ được cấp mã số duy nhất, đảm bảo không trùng lắp. Chủ thể khi tham gia giao dịch có tài khoản lưu ký. Việc đăng ký, cấp mã số được thực hiện tập trung để đảm bảo dữ liệu được thống nhất, đồng bộ.

Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán. Việc thanh toán tự động trên cơ sở kết quả giao dịch do HNX gửi, theo nguyên tắc chuyển giao hàng hóa đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán.

Đề án cũng quy định chủ thể tham gia giao dịch trên sàn giao dịch carbon là các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được tham gia mua, bán tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon.

Giai đoạn vận hành chính thức trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2029. Theo đó, các lĩnh vực, cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét mở rộng theo lộ trình. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được nghiên cứu, xem xét phân bổ miễn phí và phân bổ qua đấu giá.

Tháng 10/2020, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon. Hiện tại, Việt Nam đã chuyển nhượng một phần số tín chỉ này và còn 5,9 triệu tín chỉ chưa được chuyển giao. WB đã đề xuất chuyển tiếp 4,9 triệu tín chỉ.

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon, đến tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được tổng số tiền 51,5 triệu USD từ WB. Số tiền này đã được phân bổ về các địa phương. Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả, mang lại lợi ích cho khoảng 7.000 chủ rừng. Hiện tại, gần 400 tỷ đồng đã được các địa phương chi trả theo đúng quy định.