Việt Nam phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11-12%/năm
Trong những năm qua, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia tích cực các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, đặc biệt là mang đến nhiều bước đột phá đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa...
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực
Theo Bộ Công Thương, 2011-2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu; trong đó, tăng trưởng xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu trong 8 năm tăng gấp 2,51 lần, từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD vào năm 2018.
Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến năm 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu.
Với kết quả ấn tượng của xuất nhập khẩu trong năm 2018 vừa qua thì thứ hạng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng, giữ vững vị trí trong số những quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất.
Nhìn lại trong thời gian qua, có thể thấy, với độ mở và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng lớn, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán định, đặc biệt là những diễn biến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng…, song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những chuyển biến tích cực.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2018, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục đảm bảo định hướng được đề ra tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn là nhóm hàng công nghiệp với tỷ trọng 82,8% (tăng 1,7% so với năm 2017), tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 10,9% (giảm 1,2% so với năm 2017) và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 0,3% so với năm 2017).
Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu như năm 2011, có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó, nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 6 mặt hàng, nhóm hàng công nghiệp đóng góp 21 mặt hàng và nhóm nhiên liệu, khoáng sản đóng góp 2 mặt hàng).
Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017; xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%...
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Mặt hàng gạo đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông... Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như thị trường Hoa Kỳ, Australia, Malaysia, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11-12%/năm
Trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11-12%/năm, trong đó, giai đoạn 2016-2020 phấn đấu tăng trưởng bình quân 11%/năm và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030. Riêng năm 2019, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu phải đạt khoảng 258 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2017.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, cần chú tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Đồng thời, giúp DN Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế.
Cùng với đó, cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó, đối với nông sản xuất khẩu: Chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến, từ sản phẩm chế biến đơn giản sang sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Đối với hàng công nghiệp xuất khẩu: Chuyển từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu, trong đó, tập trung đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường...
Xây dựng năng lực của tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, chuyển từ xuất khẩu qua trung gian sang xuất khẩu trực tiếp và chuyển từ xuất khẩu theo điều kiện giao hàng FOB sang xuất khẩu theo điều kiện giao hàng CIF...