Việt Nam sắp phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Bộ trưởng– Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Văn Nên cho biết Việt Nam hiện có khoảng một tỷ USD nợ cần chuyển đổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lượng vốn thu về sẽ được Chính phủ sử dụng để chuyển đổi cho số trái phiếu phải chịu lãi suất cao từng phát hành trong những năm trước.

Thông tin nêu trên được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Văn Nên thông tin tại buổi họp báo thường kỳ chiều 28/8. Tuy không tiết lộ quy mô đợt phát hành, song theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có khoảng một tỷ USD dư nợ trái phiếu quốc tế cần được chuyển đổi.

"Đây là số tiền Chính phủ vay trong thời gian lãi suất cao. Nay có điều kiện để vay với lãi suất thấp hơn nên Chính phủ nhận thấy đây là cơ hội để giảm tiền lãi phải trả cho khoản vay này. Còn số nợ thì không thay đổi", Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, kế hoạch nêu trên nhận được sự nhất trí cao trong nội bộ Chính phủ. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng 2 năm qua, nội dung về phát hành trái phiếu quốc tế được cơ quan điều hành đề cập. Tháng 7/2013, Bộ Tài chính từng trình đề án, song Chính phủ đã thống nhất ban hành nghị quyết riêng về vấn đề này.

Nếu đợt phát hành này diễn ra, đây sẽ là lần thứ 3 Việt Nam tiến hành gọi vốn trái phiếu từ thị trường tài chính quốc tế, sau khi huy động tổng cộng 1,75 tỷ USD vào các năm 2005 và 2010.

Tại buổi họp báo, đại diện Chính phủ cũng dành nhiều thời gian để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng. Theo đó, tổng số doanh nghiệp lập mới trên cả nước đạt 47.500, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vốn đăng ký lại có xu hướng tăng, đạt bình quân khoảng 6 tỷ đồng mỗi đơn vị. “Điều đó nói lên rằng người dân, doanh nghiệp đã có lòng tin để mở rộng sản xuất, bỏ thêm vốn vào đầu tư mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó, trong phiên họp thường kỳ kéo dài 2 ngày của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định dựa trên quả đạt được trong 8 tháng qua, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mục tiêu 5,8%. Để đạt được kết quả này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, triển khai các giải pháp tăng tổng cầu, mà trước hết là tăng dư nợ tín dụng và giải ngân đầu tư. Các biện pháp như thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, giảm nợ xấu, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan... cũng cần được đẩy mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém xã hội, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường... “Tôi đồng ý quản lý nhà nước là phải bằng pháp luật, bằng chiến lược, quy hoạch nhưng thực tế chúng ta có quá nhiều quy hoạch không phù hợp và không cần thiết. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta hoặc phải hạn chế và giảm bớt quy hoạch, hoặc cần phải có quy hoạch thì phải theo thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng định hướng mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô, tăng trưởng phải cao hơn gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện các đột phá chiến lược. Theo đó, tăng trưởng GDP cần phấn đấu đạt 6,2%, lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%). Ngân sách cần tăng thu khoảng 11% trong khi bội chi giữ ở mức 5%.