Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ 2016

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Một vấn đề nóng vừa qua là công bố của Moody’s về tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam cao 15%. Một hãng tin quốc tế nói rằng nếu ước tính của Moody’s là đúng thì con số nợ xấu của Việt Nam gần bằng Hy Lạp (quốc gia đang chìm trong khủng hoảng của Châu Âu). Phóng viên đã phỏng vấn TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia về vấn đề này.

Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ 2016. Nguồn: internet
Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ 2016. Nguồn: internet
Khi được hỏi về các con số nợ xấu được công bố từ các nguồn khác nhau, trầm ngâm một lát rồi ông Nghĩa nói: Không nên cãi nhau về số liệu, mỗi tổ chức có phương pháp, tiêu chí phân loại riêng.

Cách đây vài năm, một số tổ chức tài chính quốc tế đã dự đoán là nợ xấu Việt Nam đã lên mức 30%/tổng dư nợ. Nếu đúng như họ dự đoán thì Việt Nam đã khủng hoảng lâu rồi. Nhưng thực tế từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam vẫn ổn định, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Còn hiện với tỉ lệ nợ xấu hiện nay, Việt Nam có trong tình trạng tiêu cực như với nhận định của một số tổ chức quốc tế hay không, theo tôi là không vì những lý do dưới đây:

Niềm tin của người gửi tiền Việt Nam vững chắc

Về lý thuyết cũng như trong thực tế, khủng hoảng có xảy ra hay không phụ thuộc vào niềm tin của người gửi tiền. Người dân Việt Nam tin Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khả năng xử lý tình hình. Niềm tin này ngày càng được củng cố qua những giải pháp điều hành mà Chính phủ và NHNN đã thực hiện mấy năm qua.

Một nguyên nhân nữa là các tổ chức tín dụng Việt Nam đều tham gia bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ, điều này cũng khiến người gửi tiền an tâm là rủi ro đã được giảm thiểu. Chính niềm tin của người gửi tiền là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho đến bây giờ.

Tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu là bất động sản

Phần lớn nợ xấu của Việt Nam từ bất động sản (BĐS) và có tài sản bảo đảm là BĐS. Hai năm qua, thị trường trải qua những thời điểm rất khó khăn, thậm chí có những lúc có hiện tượng “bong bóng” sắp nổ... nhưng thực tế đến nay thị trường BĐS Việt Nam không sụp đổ. Giá BĐS giảm rất mạnh, nhưng với mức giá đó các chủ dự án vẫn lời.

Tuy nhiên, thị trường chưa “ấm” lên vì cả người mua lẫn người bán đều đang kỳ vọng. Người bán mong lời hơn, người mua chờ đợi giá thấp hơn. Theo thông tin chúng tôi được biết thì một số dự án có vị trí địa lý tốt, cơ sở hạ tầng (điện, nước, trường học, bệnh viện...) đầy đủ giao dịch đã sôi động và giá cũng nhích lên. Thị trường BĐS nhất định sẽ đến thời kỳ hồi phục. Lúc đó, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn.

Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn

Mấy năm gần đây, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn giữ được ổn định theo chiều hướng ngày càng tốt hơn. Tốc độ tăng trưởng Việt Nam hai năm gần đây ở mức trên 5%, tuy không cao so với thời gian trước nhưng đạt mức bình quân so với khu vực và cao so với thế giới.

Những ngành chủ chốt như công nghiệp, xây dựng từng bước được phục hồi; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá liên tục; chương trình xây dựng nông thôn mới được tích cực triển khai...

Giá trị VND ổn định so nhiều đồng tiền khác trong khu vực (VND chỉ giảm khoảng 1,2% trong năm 2013, so với 19% mất giá của đồng pupiah Indonesia và 9% mất giá của đồng peso Philippines). Vừa qua, ngân hàng HSBC Việt Nam đã công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 1/2014 đã tăng lên 52,1 điểm trong tháng 1...

Đánh giá cao của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mặc dù khuyến cáo Việt Nam về những yếu kém trong môi trường đầu tư như các vấn đề thể chế, bảo vệ NĐT, thuế... nhưng về căn bản đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển trong tương lai.

Vì vậy, đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn tăng cả vốn đăng ký và vốn giải ngân trong bối cảnh đầu tư vào hầu hết các nước Đông Nam Á bị rút ra với mức 17- 25%, nhưng tại Việt Nam (cả Philippines nữa) thì NĐT không rút mà còn quay trở lại. Diễn biến thị trường chứng khoán từ tháng 12/2013 đến nay là một chỉ dấu (ngày 25/2 Việt Nam-Index đã lên mức 586.2 điểm).

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, với niềm tin của người dân, thực tiễn kinh tế vĩ mô đang ổn định tốt hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn và lạm phát thấp hơn, với những chủ trương đúng hướng của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tâm lý của các NĐT đang tin vào một chu kỳ tăng trưởng mới nhanh hơn. Chu kỳ đó sẽ bắt đầu khởi phát vào năm 2015, rõ nét từ năm 2016.