Việt Nam thể hiện trách nhiệm trong ổn định tài chính khu vực

Theo Chinhphu.vn

Việc chủ động đề xuất và tổ chức thành công Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á lần đầu tiên đã khẳng định năng lực, uy tín, thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong việc tăng cường ổn định tài chính khu vực.

Họp báo kết thúc Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á
Họp báo kết thúc Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á
Nhận định này được Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đưa ra trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á được tổ chức chiều 28/11 tại Hà Nội.

Với 1,5 ngày thảo luận và 1 phiên toàn thể, Hội nghị thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giám sát tài chính đến từ nhiều nước trong khu vực, châu Âu, Hoa Kỳ, đại diện của các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (tổ chức đóng vai trò chính trong việc hoạch định các quy chuẩn tài chính liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Phiên khai mạc có hơn 400 đại biểu tham dự, đây là số đại biểu đông hơn dự kiến của ban tổ chức. Nhiều nền kinh tế đã cử đoàn đại biểu cấp cao tham dự các phiên thảo luận. Đặc biệt, tất cả các nền kinh tế của ASEAN + 3 (bao gồm 10 nước ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) đều tham dự Hội nghị.

Đại diện từ những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu đều đã tham dự tích cực, đóng góp lớn vào thành công chung của Hội nghị.

Ông Vũ Viết Ngoạn cho biết các quan chức, chuyên gia tham dự Hội nghị đều khẳng định sáng kiến của Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á là phù hợp, kịp thời.

Kết quả của Hội nghị ổn định tài chính phu vực Đông Á cũng được các chuyên gia đánh giá cao khi đưa ra được một bức tranh khá  toàn diện về ổn định tài chính khu vực Đông Á.

Các cuộc trao đổi, thảo luận đã đề cập đến tất cả những vấn đề liên quan đến cải cách tài chính, đưa ra những thông tin quý về tiến trình thực hiện cải cách tài chính trên thế giới và ở khu vực từ cuộc khủng hoảng 2008 – 2009 đến nay. Các chuyên gia cũng đã phân tích những khó khăn, thách thức, từ đó đưa ra cảnh bảo để giúp các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới cần quan tâm chú ý khi triển khai thực hiện quy chế an toàn tài chính trong chuẩn mực mới.

Các đại biểu cũng đã thống nhất đưa ra tuyên bố chung, trong đó có những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt là việc thành lập một diễn đàn khu vực về ổn định tài chính.

“Điều này thể hiện rõ vai trò và vị trí của Việt Nam trong công tác đối ngoại ở lĩnh vực chuyên môn hẹp, còn rất mới và khó, thể hiện tính năng động, kinh nghiệm và kiến thức của chúng ta trong lĩnh vực này”, ông Vũ Viết Ngoạn phân tích.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, việc chủ động đề xuất tổ chức hội nghị khu vực về ổn định tài chính đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế cùng quan tâm, thể hiện rõ quyết tâm trong việc tiếp tục, kiên định thực hiện cải cách tài chính.

Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị, Việt Nam cũng đã tiếp cận được với nhiều kinh nghiệm quý trong tái cấu trúc hệ thống, xử lý rủi ro từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước châu Âu...