Việt Nam tích cực tham gia các cam kết về biến đổi khí hậu
Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với BĐKH. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.
BĐKH đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, do đó cần phải có sự phối kết hợp giữa các khu vực và quốc gia nhằm giảm nhẹ BĐKH toàn cầu.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã và đang có những hành động thiết thực, cụ thể, có ý nghĩa nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với BĐKH. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.
Có thể liệt kê sơ bộ một số cam kết quốc tế chung mà Việt Nam đã tham gia như sau:
Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH: Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) là nền tảng thúc đẩy cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, được ký kết tại Rio De Janeiro (Brasil) ngày 21/3/1994. Mục tiêu của công ước là “sự ổn định nồng độ các khí nhà kính (KNK) trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu”.
Nghị định thư Kyoto tháng 12/1997: Nghị định thư Kyoto đưa ra cam kết đối với các nước phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi về giảm tổng lượng phát thải các khí nhà kính xuống thấp hơn năm 1990 với tỷ lệ trung bình là 5,2% trong thời kỳ cam kết đầu tiên từ 2008 - 2012 theo các mức cắt giảm cụ thể (Cộng đồng châu Âu: 8%; Hoa Kỳ: 7%; Nhật Bản: 6%...). Nghị định thư Kyoto có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2005 và đã hết hiệu lực vào 31/12/2020.
Cơ chế phát triển sạch (CDM): Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một phương thức hợp tác quốc tế mới theo Nghị định thư Kyoto nhằm làm giảm phát thải KNK trên phạm vi toàn cầu thông qua cơ chế đầu tư, tăng cường khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước phát triển thực hiện các dự án giảm phát thải KNK dưới dạng “Giảm phát thải được chứng nhận (CERs)”. Nếu như vài thập kỷ gần đây, phương thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) là phổ biến và được coi là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang và kém phát triển, thì CDM là một công cụ triển khai chính sách quốc gia về môi trường ở nhiều nước tham gia Nghị định thư Kyoto.
Cơ chế hành động giảm nhẹ KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs): Từ Hội nghị lần thứ 13 các Bên thuộc Công ước khung Liên Hợp quốc về BĐKH năm 2007 (COP 13 ở Bali, Indonesia) thế giới đã hình thành một hướng tiếp cận mới về giảm nhẹ KNK đối với các nước đang phát triển, được gọi là “các hành động giảm nhẹ KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA)”. Theo đó, các nước phát triển phải giảm phát thải KNK nhằm thực hiện cam kết theo Nghị định thư Kyoto. Đối với các nước đang phát triển, việc giảm phát thải được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với điều kiện từng quốc gia và được hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ, tài chính và tăng cường năng lực.
Thỏa thuận Paris về BĐKH: Ngày 12/12/2015, đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị Hội nghị Liên Hợp Quốc về BĐKH 2015 (COP21) về hợp tác để giảm lượng phát thải khí nhà kính, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất. Mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất đến năm 2100 là thấp hơn 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5oC.
Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh): Tại hội nghị, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…
Với các cam kết nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…