Việt Nam cam kết mạnh mẽ ứng phó biến đổi khí hậu tại COP27

Theo Lan Anh/kinhtemoitruong.vn

Đến với COP27, Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời phát đi thông điệp "cam kết đi đôi với hành động" trong thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Hội nghị COP27 với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể.
Hội nghị COP27 với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể.

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. 

Tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu lần này, Đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng Đoàn Việt Nam tham dự COP27, giữa lúc thế giới đang chứng kiến khủng hoảng năng lượng và đà suy giảm kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã không thể triển khai thực hiện các cam kết đã nêu ra tại COP26 ở Glasgow trong năm ngoái về giảm phát thải khí nhà kính và mức đóng góp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia tích cực do đã thực hiện được nhiều việc. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cam kết COP26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phê duyệt kế hoạch giảm phát thải khí metan, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ để thực hiện các cam kết về khí hậu.

Trong NDC 2022, Việt Nam đã nâng cam kết lên cao hơn phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo ông Phạm Văn Tấn, nhiều đối tác quốc tế, đặc biệt là Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu nói riêng cũng như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nói chung, đều đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động.

Điển hình là việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có nhiều buổi làm việc với các tổ chức quốc tế và định chế tài chính quốc tế để trao đổi về nỗ lực của Việt Nam và cơ hội hợp tác tại Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc làm việc với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã triển khai các biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng nhằm hướng tới mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý rằng việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế vừa giảm phát thải khí nhà kính là một bài toán khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về cả nguồn lực và công nghệ. 

Tại một số sự kiện lớn trong khuôn khổ Hội nghị COP27, như "Thúc đẩy Đóng góp do quốc gia tự quyết định: Tín hiệu đáng ghi nhận" do Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chủ trì ngày 15/11;

Cuộc họp hàng năm các nước tham gia cam kết metan do Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kery chủ trì ngày 16/11 với sự tham gia của trên 40 bộ trưởng; cuộc họp cấp bộ trưởng của hơn 100 nước tham gia Tuyên bố metan ngày 17/11 do Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi hậu John Kery và Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans chủ trì, Việt Nam vinh dự được xướng tên và đã dành thời lượng đáng kể để phát biểu, chia sẻ.

Tại các sự kiện này, Việt Nam khẳng định Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, phê duyệt chiến lược để thực hiện các cam kết đưa ra tại COP26. Phát triển ít phát thải, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và thích ứng với biến đổi khí hậu là con đường Việt Nam kiên định đi theo, vừa để phát triển bền vững đất nước, vừa để góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chính vì vậy, rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã tìm cách gặp gỡ để trao đổi với Đoàn Việt Nam trong suốt 2 tuần diễn ra Hội nghị COP27, đặc biệt là trong những ngày Bộ trưởng Trần Hồng Hà có mặt tại thành phố Sharm El-Sheikh.

Cũng theo Bộ trưởng, đến với COP27, Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời phát đi thông điệp "cam kết đi đôi với hành động" trong thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Việt Nam sẽ cùng với các bên thảo luận để bảo đảm các cam kết, cơ chế đã thỏa thuận được thực hiện trên thực tế; tiếp tục đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số; sẽ huy động các nguồn lực và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển, đồng thời tham gia vào nhiều sáng kiến, đặc biệt là các sáng kiến huy động nguồn lực tài chính, các sáng kiến liên quan quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trong những ngày đầu diễn ra Hội nghị COP27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã nêu ra sáng kiến về sử dụng phần lớn nguồn lực huy động thông qua các cơ chế của Thỏa thuận Paris nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thực hiện các dự án thí điểm tại các nước đang phát triển để làm tiền đề, khơi thông nguồn vốn toàn xã hội đầu tư vào lĩnh vực giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sáng kiến này đã được sử dụng để lồng ghép vào các nội dung thảo luận của COP27 trong suốt 2 tuần qua.