Việt Nam tiêu tốn cho bia, rượu hơn 3 tỷ USD/năm

PV.

Báo cáo Tổng quan Y tế 2015 của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam chi bình quân tiêu thụ bia rượu hơn 3 tỷ USD/năm (khoảng 1,8% GDP), bằng gần 3% thu ngân sách cả nước và cao gấp 4 lần mức đóng góp ngân sách của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát hàng năm (trung bình 800 triệu USD/năm).

Tiêu dùng rượu, bia ngày càng gia tăng

Thống kê của Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), chỉ trong 5 năm (2011-2015), tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 25-64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3% và ở nữ giới là từ 5,6% lên 11,2%.

Điều tra của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong số nam giới sử dụng rượu bia năm 2015, 44,2% sử dụng rượu bia ở mức nguy hại và 47,9% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia. Ở tuổi vị thành niên (13-17 tuổi): 1/3 nam giới (33,2%) và gần 1/5 nữ giới (17,6%) có sử dụng rượu bia. Trong số đó có một nửa số em nam và 1/3 số em nữ uống lần đầu trước 14 tuổi.

Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới cũng cho biết, từ 2005-2010, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tăng gấp đôi, từ 3,8 lít/người lên 6,6 lít/người. Riêng nam giới sử dụng rượu bia, mức tiêu thụ trung bình 27,4 lít cồn nguyên chất/người/năm.

Với những thông số trên, Việt Nam trở thành quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia đứng đầu các nước trong khu vực ASEAN, xếp thứ 3 châu Á.

Lạm dụng rượu bia gây gánh nặng cho gia đình và quốc gia

Theo Báo cáo Tổng quan Y tế 2015 của Bộ Y tế, Việt Nam chi bình quân tiêu thụ rượu bia hơn 3 tỷ USD/năm (khoảng 1,8% GDP), bằng gần 3% thu ngân sách cả nước và cao gấp 4 lần mứ đóng góp ngân sách của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát hàng năm (trung bình 800 triệu USD/năm).

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, chi phí kinh tế trực tiếp điều trị 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 loại bệnh có liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú) lên tới 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012. Gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên hộ gia đình (42,4%), bảo hiểm y tế (27,7%) và chính phủ (17,1%).

Rượu bia có liên quan tới 36,2% các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% các trường hợp ở nữ giới. Thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ước tính gần 1 tỷ USD vào năm 2010.

Chi tiêu ở hộ gia đình về rượu bia thâm lạm vào chi phí cho giáo dục và y tế, đặc biệt ở các hộ nghèo. Ở các hộ nghèo có dùng rượu bia, khoản chi cho y tế và giáo dục chỉ bằng 48% và 60% so với hộ nghèo không có người uống rượu bia. Nếu số tiền mua rượu bia này dùng để mua sữa thì trẻ em ở các hộ nghèo sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì 1 cốc/năm.

Phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Tổ chức phi Chính phủ HealthBridge (Canada) cho rằng: Giá rẻ và mức độ sẵn có cao đã góp phần gây ra tệ nạn làm dụng rượu, bia. Tính riêng năm 2014, người dân Việt Nam chỉ phải chi trung bình 18.555 đồng để mua 1 lít rượu trắng nội địa và 13.114 đồng để mua 1 lít bia hơi. Mức chi này bằng 1,6% và 1,2% lương cơ bản/tháng (lương cơ bản năm 2014 theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP là 1.150.000 đồng/tháng).

Từ năm 1998-2014, giá mua 1 lít rượu, bia liên tục giảm tính theo tỷ lệ phần trăm GDP bình quân đầu người. Năm 1998, tỷ lệ phần trăm GDP/người để mua 10 lít rượu Vodka Hà Nội, rượu vang nội và rượu trắng nội địa ứng là 8,2%; 5,9% và 1,6%; đến năm 2014, tỷ lệ này giảm mạnh chỉ còn là 2,2%; 1,6% và 0,4%. Mức giảm tương tự với mặt hàng bia. Điều này cho thấy, khả năng tiếp cận rượu, bia về phương diện giá của người dân Việt Nam ngày càng tăng.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, năm 2014, Chính phủ đã ban hành “Chính sách quốc gia về Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác” (Quyết định 224/QĐ-TTg ngày 12/2/2014) và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác (theo Quyết định 1081/QĐ-TTg ngày 15/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Những công việc này được đánh giá là rất cần thiết và kịp thời, tuy nhiên theo nhìn nhận của giới chuyên gia, việc triển khai thực thi chính sách vẫn còn diễn ra chậm, bởi do thiếu hành lang pháp lý.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên cũng như kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng rượu, bia và hạn chế những hệ lụy từ rượu, bia tới đời sống kinh tế - xã hội và thế hệ sau này, giới chuyên gia đề xuất nhiều kiến nghị, trong đó đề xuất Chính phủ chú trọng đẩy nhanh lộ trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, đồng thời, xem xét tiếp tục sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu, bia.