Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thêm thuế nước ngọt, tăng thuế rượu bia

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Với mục tiêu định hướng điều tiết tiêu dùng, dự thảo đề nghị bổ sung nước ngọt có ga không cồn vào đối tượng chịu thuế và điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với bia, rượu ít nhất 10%.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ để hạn chế sử dụng quá mức nước ngọt có ga không cồn. Nguồn: internet
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ để hạn chế sử dụng quá mức nước ngọt có ga không cồn. Nguồn: internet

Sẽ "đánh thuế" nước ngọt

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nước ngọt có ga không cồn là nước uống đã được sục khí CO2 bão hòa nhằm tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu khiến người uống có giảm giác “đã” khát. Đây là loại thức uống được ưa chuộng phổ biến trên thế giới đặc biệt đối với trẻ em nên một lượng rất lớn nước ngọt có ga không cồn được tiêu thụ hằng năm.

Trong nước ngọt có ga không cồn, ngoài một phần nước tinh khiết hoặc một số loại có thêm nguyên liệu tự nhiên, phần còn lại đều là chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản. Mặc dù những chất công nghiệp này có hàm lượng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép nhưng nhiều chuyên gia y tế quốc tế đã cảnh báo một số tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức, như: gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư... Do vậy việc định hướng tiêu dùng đối với nước ngọt có ga không cồn này là cần thiết, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Luật thuế TTĐB hiện hành được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2009 thay thế Luật thuế TTĐB năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB năm 2003 và 2005.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bên cạnh giải pháp như tuyên truyền ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng quá mức nước ngọt có ga không cồn, nhiều nước đã sử dụng công cụ thuế TTĐB và một số nước khác đã và đang đề xuất đánh thuế TTĐB đối với loại đồ uống này.

Để định hướng điều tiết tiêu dùng đối với nước giải khát có ga không cồn và phù hợp với chiến lược cải cách thuế TTĐB là mở rộng đối tượng chịu thuế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung loại nước này vào đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng mức thuế suất 10%.

Theo số liệu báo cáo của các cục thuế thì tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn với giá bán trung bình của nhà sản xuất là 11.987 đồng/lít vì vậy việc thu thuế suất 10% đối với mặt hàng này sẽ không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp (dự kiến thu khoảng gần 2.000 đồng/lít nước giải khát có ga). Dự kiến số thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.500 tỷ vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng. 

Hạn chế sử dụng

Đối với mặt hàng bia, trước ngày 1/1/2010, Bộ Tài chính cho biết, thuế TTĐB đối với bia được phân biệt thành 2 loại: bia chai, bia lon (áp dụng thuế suất 75% có trừ vỏ lon) và bia tươi, bia hơi (áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% trong năm 2008).

Năm 2008, thực hiện yêu cầu gia nhập WTO, Quốc hội đã thông qua Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2012 và 50% từ ngày 1/1/2013. Việc thống nhất mức thuế suất, qua đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với bia chai từ 75% xuống 45% / 50% là nhằm hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất bia nhỏ của địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương.

Qua 5 năm thực hiện, trên cả nước đã hình thành mạng lưới cơ sở sản xuất, gia công bia tại các địa phương, tạo cơ sở vững chắc cho ngành bia (Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Hà Nội có 10 công ty con tại các địa phương; Tổng công ty cổ phần bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn có 5 công ty con...).

Đối với rượu, trước ngày 1/4/2009, thuế suất thuế TTĐB là 65% đối với rượu từ 40 độ trở lên; 30% đối với rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ và 20% đối với rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả, rượu thuốc.

Với Luật thuế TTĐB số 27, thuế suất rượu được áp dụng thống nhất lại thành 2 loại: rượu từ 20 độ trở lên áp dụng 45% từ ngày 1/1/2010 đến hết ngày 31/12/2012 và 50% từ ngày 1/1/2013; rượu dưới 20 độ áp dụng 25% từ ngày 1/4/2009.

Đến nay việc hạ thuế suất đối với mặt hàng bia đã làm tăng sức mua đối với bia, rượu. Năm 2013, lượng rượu bia tiêu thụ là 3 tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người, lượng tiêu thụ này khiến Việt Nam trở thành "quán quân uống bia" ở khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản và đứng thứ 28 trên thế giới về lượng tiêu thụ rượu, bia.

Việc sử dụng quá nhiều rượu, bia gây nên tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết...

Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng quá nhiều rượu,bia, Bộ Tài chính đề nghị nâng thuế suất thuế TTĐB của bia từ 50% lên 65% từ ngày 1/7/2015; của rượu từ 20 độ trở lên từ 50% lên 65%; của rượu dưới 20 độ từ 25% lên 35%.

Với việc điều chỉnh này, dự kiến số thu ngân sách năm 2016 tăng 8.189 tỷ đồng; năm 2017 tăng 9.447 tỷ đồng; năm 2018 tăng 10.814 tỷ đồng.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) thông qua. Để bảo đảm kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện công tác tuyên truyền và chuẩn bị điều kiện quản lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật là từ ngày 1/7/2015.