Việt Nam trước tác động của Cách mạng công nghệ 4.0?
Việt Nam là trung tâm của mọi cơ hội phát triển nhưng lại đang thiếu nhiều điều kiện cần và đủ trong cuộc chơi đầy tính cạnh tranh của nền công nghệ số hóa.
Đừng để thế giới lãng quên
Nhìn lại thành công từ APEC Việt Nam 2017, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, cũng là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC mà cả cấu trúc kinh tế khu vực, tạo ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát triển. APEC 2017 tạo cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tác động tích cực vào việc thay đổi thể chế, chính sách, đưa ra các cam kết có lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên tại Diễn đàn “Nhìn từ APEC 2017: Cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp” diễn ra sáng 6/12, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tri thức 3.0 nhận định: “Rất nhiều dòng tiền đang xoay vòng xung quanh chúng ta, nhưng nó lại không rơi xuống đáy phễu bởi sự cản trở của những cục máu đông”. Những cục máu đông này chính là cách hành xử chưa phù hợp với quy luật quốc tế, vấn đề con người, chất lượng sản phẩm và tư duy phát triển hạn chế.
Ông Hòa cho rằng, hình ảnh Việt Nam đang bị thế giới lãng quên. Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi mọi thứ xung quanh ta nhưng không quan trọng bằng sự thay đổi của chính chúng ta. Nếu không chủ động tham gia mà tự đứng ngoài mọi cuộc chơi, chúng ta sẽ không bao giờ phát triển được. Vấn đề hiện nay là sau những diễn đàn kinh tế lớn như vậy, người Việt Nam hành xử như thế nào, đối phó ra sao trước truyền thông quốc tế là bài toán mà thế giới đặt ra cho chúng ta.
Để giải quyết từ gốc vấn đề này, ông Hòa cho rằng phải hiểu đúng về công nghệ 4.0. Mười năm trước đây, phương thức giao tiếp giữa con người với con người không thể nhanh chóng, thuận tiện như bây giờ. Các ứng dụng công nghệ đã thực sự đi vào cuộc sống thật chứ không còn là thế giới ảo nữa.
Những thiết bị, phát minh về công nghệ cao tưởng như không thể thực hiện thì nay đã vô cùng gần gũi trong cuộc sống. Dù muốn hay không, công nghệ 4.0 cũng đã hiện hữu xung quanh chúng ta, do đó mọi giá trị tri thức phải thực sự thay đổi, phải xác định đúng được mục đích, mục tiêu thì mới bắt tay vào thực hiện hiệu quả.
Thời đại của thế hệ trẻ
APEC cũng đã mang đến rất nhiều thông điệp, ngoài những câu chuyện toàn cầu thì APEC đưa ra chủ đề lớn nhắm đến tinh thần của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là nhấn mạnh vào thế hệ trẻ, nguồn nhân lực dồi dào đầy tiềm năng mà Việt Nam đang sở hữu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những thế hệ cũ thường lỗi thời vì họ không hiểu biết về công nghệ, nhưng thế hệ trẻ hiện nay thực sự rất có tiềm năng, họ sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn và chấp nhận nền tảng phát triển công nghệ không biên giới để không còn vướng phải những rào cản xưa cũ.
Thực hiện quản lý tốt, định hướng tốt, đặc biệt là chú trọng những vườn ươm khởi nghiệp là cơ sở để xây dựng nên một lực lượng trí tuệ, có khả năng ứng dụng công nghệ tạo thay đổi lớn nhất hiện giờ. Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, tư duy người trẻ hiện nay là “nhà giàu vượt sướng” chứ không còn là “nhà nghèo vượt khó”, thế nên trong thời đại ngày nay với nền tảng tri thức và công nghệ, đòi hỏi những người trẻ phải làm được nhiều hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, vấn đề cơ sở hạ tầng giờ đây tồn tại không chỉ đơn thuần là cơ sở giao thông, vật chất mà còn là cơ sở dữ liệu thông tin. Thời đại của những người trẻ đã đến, họ không chỉ phải tương tác với những người khác nhau, với xã hội khác nhau mà còn phải tương tác với máy móc.
Do đó, nâng cao năng lực và thúc đẩy sự sáng tạo cho thế hệ trẻ là thực sự cần thiết. Bà cũng nói thêm, không chỉ trọng trách nặng nề trên vai thế hệ trẻ mà còn cả vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, của xã hội, bởi đây là một yêu cầu tất yếu và tiên quyết cho sự cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Giám đốc quốc gia của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WFF) tại Việt Nam Văn Ngọc Thịnh cho biết, trách nhiệm xã hội trong nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển ngày càng cao.
Ngay thời điểm hiện tại, chúng ta phải gánh chịu hệ lụy của những quyết định phát triển không bền vững, những thảm họa môi trường như nước biển dâng, mất rừng, lũ lụt và biến đổi khí hậu… và để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến thế giới thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển.
Do đó, cần đặt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) về đúng chỗ. Nếu hiểu rằng trách nhiệm xã hội đóng vai trò quyền lực thì CSR và những tài sản vô hình từ CSR hoàn toàn có thể là động lực kinh tế giúp doanh nghiệp thay đổi và phát triển bền vững trong tương lai.