Việt Nam và các giải pháp chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận


Việc tham gia triển khai BEPS được nhận định góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, của ngành Thuế nói riêng, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kinh nghiệm thế giới trong nhận diện các hình thức trốn thuế

Hàng năm, ở các nước OECD, số thuế bị mất đi do các hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) vào khoảng 100-240 tỷ USD, tương đương 4 -10% số thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển mới chịu tác động nhiều nhất từ việc thất thu thuế do phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và hệ thống pháp lý, chính sách thuế chưa đủ tầm bao quát để quản lý. 

Cụ thể tại Indonesia, thất thu ngân sách thể hiện qua mức độ tuân thủ thuế thấp, tỷ trọng đóng góp của thuế thu nhập cá nhân thấp, việc khó khăn khi xác định số thuế của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là tình trạng các doanh nghiệp báo lỗ ở tất cả các năm và có nhiều dàn xếp dẫn tới hiện tượng tránh, trốn thuế. Trong khi đó, tại Trung Quốc nhiều doanh nghiệp thành lập và sử dụng công ty thương mại trung gian để triển khai gián tiếp các hoạt động trong giao dịch thương mại.

Dưới chính sách ưu đãi một phần của thuế giá trị gia tăng đánh trên hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc có thể trốn thuế bằng việc khai báo sai giá bán tới các công ty thương mại trung gian trong nước, đặc biệt là khi tiêu thụ những sản phẩm tự sản xuất. Qua đó, hành vi trốn thuế thông qua thương mại trung gian có thể liên quan đến các hoạt động giao dịch biên mậu, thông qua việc khai báo sai trị giá hàng hóa xuất khẩu cho  đối tác nước ngoài.

Để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, các nước OECD đã triển khai mở rộng cơ sở thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận đối với các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Theo đó, Áo mở rộng cơ sở tính thuế đối với các giao dịch bất động sản (tăng mức thuế suất).

Tại Nhật Bản, ngoài việc tiến hành giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25,5% năm 2015 xuống còn 23,9% năm 2016; 23,4% năm 2017 và 23,2% vào năm 2018, Chính phủ nước này đã mở rộng cơ sở thuế, bao gồm đơn giản hóa hệ thống thuế đối với khấu hao và giảm ngưỡng tối đa của các khoản lỗ được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Tăng cường hợp tác quốc tế ngăn chặn hành vi trốn thuế

Trong nhiều năm qua Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, từng bước gia nhập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực.

Việc trở thành thành viên của các tổ chức này và tham gia các FTA đã và đang đem lại cho Việt Nam các lợi ích như ưu đãi thuế quan, xóa bỏ các rào cản phi thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như miễn giảm tiền thuê đất, điều chỉnh giảm thuế thu nhập DN. Các yếu tố này đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất sản xuất, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của các nhà đầu tư, đồng thời thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Việt Nam.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2020, nhiệm vụ thu ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với những biến động phức tạp, khó lường do tác động của các yếu tố thiên tai, quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế số... Đặc biệt trong giai đoạn 2019-2020, phần lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu.

Thêm vào đó, FTA thế hệ mới như EVFTA (hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU) đặt ra yêu cầu cao hơn các FTA khác về xóa bỏ thuế nhập khẩu. Những yếu tố nêu trên có tác động không nhỏ đến mức độ thâm hụt NSNN trong những năm tới. Do đó, việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu ngân sách bền vững, hiệu quả là hết sức cấp thiết.

Mặt khác, tại Việt Nam, về cơ bản, các văn bản quy phạm nêu trên được các chuyên gia quốc tế của OECD, WB đánh giá là phù hợp với định hướng triển khai Chương trình BEPS theo khuyến nghị của OECD/G20. Nhìn chung, việc kịp thời ban hành các văn bản này sẽ giúp cơ quan quản lý thuế có công cụ quản lý “mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn” để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết.

Với tư cách là thành viên thứ 100 tham gia Diễn đàn hợp tác thực hiện Chương trình BEPS, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Thuế đang tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, cập nhật định hướng sửa đổi chính sách theo khuyến nghị của OECD/G20 nhằm đảm bảo phù hợp với lộ trình cải cách, hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc tham gia triển khai BEPS được nhận định góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, của ngành Thuế nói riêng, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, việc triển khai BEPS cũng giúp ngành Thuế thích ứng kịp thời với những tác động của quá trình hội nhập trên cơ sở đề xuất một số giải pháp về chính sách và quản lý thuế cũng như tăng cường hợp tác hành chính thuế quốc tế với các cơ quan thuế các nước nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi trốn, tránh thuế của người nộp thuế thông qua hành vi chuyển giá, rủi ro thất thu thuế từ các giao dịch qua biên giới nhằm tăng cường kiểm soát đối với giao dịch liên kết có quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia thông qua quy định DN trong nước có nghĩa vụ cung cấp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, để cơ quan Thuế làm cơ sở đánh giá rủi ro trước khi lập kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng.

Mặt khác, giảm thiểu thủ tục kê khai đối với DN có quy mô giao dịch không đáng kể hoặc thuộc diện áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực quản lý và thực hiện nghĩa vụ tuân thủ cho cả cơ quan Thuế và người nộp thuế.