Chính phủ thực hiện các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế

BD

Tại sao khu vực kinh tế tư nhân vẫn “chưa chịu lớn” là một trong những vấn đề "nóng" được đặt ra tại buổi họp báo công bố Chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 do Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã tổ chức ngày 13/10, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp báo
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp báo

Mặc dù, hiện nay số kinh tế hộ gia đình, cá thể với số lượng 5,1 triệu hộ, chiếm 31,33% GDP và Chính phủ đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp việc chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình, cá thể doanh nghiệp vẫn còn rất chậm. 

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận “Đại đa số các hộ kinh doanh gia đình theo cách truyền thống không muốn đầu tư công nghệ sản xuất, không muốn mở rộng kinh doanh, không muốn làm số sách kế toán hay có giám đốc… nên không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đây là nguyên nhânkhiến các hộ kinh doanh cá thể “không chịu lớn” và đây là đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể như đơn giản hoá thủ tục, miễn chi phí đăng ký doanh nghiệp… Chính phủ cũng đang tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính tạo thêm nhiều điều kiện để các hộ này chuyển đổi thành DN như phần mềm kế toán dùng chung, khai báo các thủ tục thuế đơn giản hơn… Tuy nhiên, điều này dường như vẫn chưa đủ động lực để kích thích kinh tế hộ gia định sớm chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ ra thực tế, con số 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay của Việt Nam tương đương với các nước khác trên thế giới, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp “siêu nhỏ” của chúng ta nhiều hơn. Trong thời gian tới, sẽ quản lý chặt các hộ kinh doanh cá thể về nộp thuế, các hộ này chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi hơn.

“Tôi đồng ý với việc cần thiết phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế bớt doanh nghiệp phá sản. Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Luật Quản lý thuế để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, doanh nghiệp lập ra “tay không bắt giặc”, không có vốn mà chỉ chủ yếu đi vay ngân hàng… hoạt động một thời gian không đủ tiền trả lãi vay dẫn tới phá sản. 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp thì mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 không khó. Vì thế, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện việc này” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng quy định về hoá đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt làm cơ sở để tính thuế, xoá bỏ tình trạng nộp thuế theo phương thức khoán như hiện nay nhằm mục đích quản lý chặt các hộ kinh doanh cá thể về nộp thuế thì họ sẽ muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cho biết, các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi hơn. Ví dụ như, hiện doanh nghiệp đang áp mức thuế 20% đối với doanh nghiệp nhỏ thì các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sẽ được áp mức 17%...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê xây dựng Đề án về khu vực kinh tế chưa được quan sát (kinh tế ngầm) gồm 5 thành tố: kinh tế ngầm; các hoạt động kinh tế bất hợp pháp; khu vực kinh tế chính thức chưa được quan sát (gồm các hộ kinh doanh nhỏ lẻ); khu vực kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình; các hoạt động thu thập dữ liệu cơ bản bị bỏ sót.

“Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế để nền kinh tế trở nên minh bạch hơn bởi mục tiêu của Chính phủ là cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư, kinh doanh” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.