Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội cho giới đầu tư

.

Đây là nhận định lạc quan của hầu hết các diễn giả, chuyên gia kinh tế tại Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2008 do Tập đoàn VinaCapital tổ chức trong hai ngày 10 - 11/11 tại Tp.HCM. Mặc dù không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng tài chính toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn đang mở ra nhiều cơ hội tốt cho giới đầu tư toàn cầu...

 So với các nước khác trên thế giới, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Điều này được nhiều diễn giả nhận định tại hội nghị này.

Ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng

Theo Tiến sĩ Andy Xie, cựu Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Morgan Stanley, “cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ khiến cho nền kinh tế của nhiều nước phát triển thu hẹp và giảm sút. Mức độ thu hẹp trung bình từ 2-4% tốc độ tăng trưởng.

Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới những nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cuộc khủng hoảng này tuy có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nhưng không quá nghiêm trọng”.

Ông Andy Xie cho rằng Việt Nam và một số nước đang phát triển có nguồn tài nguyên xuất khẩu sẽ ít bị “hiệu ứng domino” của suy thoái. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nền kinh tế mới nổi khác hoàn toàn có thể giảm thiểu tối đa các tác hại này bằng cách đẩy mạnh quan hệ với những nền kinh tế mới nổi khác chứ không chỉ phụ thuộc vào các nền kinh tế phát triển.

Phải đặt câu hỏi: ai sẽ là khách hàng, là nhà đầu tư của mình trong giai đoạn sắp tới? Các nước đang phát triển có thể là khách hàng của nhau, chứ không nhất thiết phải trông chờ vào các nước phát triển.

Đồng tình với nhận định này, ông Phạm Đỗ Chí, Phó giám đốc điều hành VinaCapital, cho rằng: “Ảnh hưởng của cơn bão tài chính đến Việt Nam ít hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ... Và Việt Nam đang ở vị thế sẵn sàng để đối phó. Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp tích cực để giải quyết những vấn đề liên quan đến lạm phát, thâm hụt thương mại và ổn định tiền tệ. Lạm phát năm nay sẽ vào khoảng 22% và sang năm tới có thể xuống dưới 2 con số. Dự đoán tăng trưởng GDP năm nay đạt từ 5-6% và năm tới khoảng 6%; giá trị đồng tiền của Việt Nam cũng giảm sút 6-8% nhưng so với khu vực tiền đồng Việt Nam vẫn đứng ở vị trí cao”.

 

Cũng theo ông Chí, ảnh hưởng lớn nhất của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng so với với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thì Việt Nam vẫn còn là “bức tranh sáng sủa”. Bởi hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm giá rẻ như dầu thô, lương thực thực phẩm, hàng may mặc... nên sẽ không bị giảm sút mạnh. Tuy vậy, tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm 10-15% so với trước đây.

Dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào Việt Nam vẫn tăng cao. Điều này được thể hiện qua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng đầu năm 2008 với con số kỷ lục.

Đáng chú ý là dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển từ lĩnh vực dịch vụ sang lĩnh vực công nghiệp nhờ 2 “siêu dự án” với tổng vốn đăng ký là 14,097 tỷ USD. Đó là dự án 7,9 tỷ USD của Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) và dự án 6,2 tỷ USD của liên doanh giữa Công ty Lọc dầu Nghi Sơn với các tập đoàn của Nhật Bản và Kuwait tại Thanh Hóa.

Theo ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Tp.HCM, dự kiến cả năm 2008 số vốn cam kết của các dự án FDI có thể đạt trên 50 tỷ USD. Tuy nhiên, giải ngân vốn vẫn là vấn đề còn tồn tại, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa trong năng lực hấp thụ vốn dưới góc độ tăng năng suất quốc gia. Triển vọng cả năm 2008 số vốn FDI thực hiện có thể đạt hơn 10 tỷ USD.

Có được điều đó, một phần là nhờ chính sách thu hút đầu tư hợp lý và hiệu quả của các hoạt động đầu tư mang tính tích cực. Đồng thời có sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ giữa các quỹ đầu tư trong nước với các Đối tác bên ngoài thể hiện ở xu thế liên kết kinh tế trong khu vực và thế giới diễn ra mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Điểm thứ hai là, tốc độ tăng trưởng cao GDP của Việt Nam trong nhiều năm, đặc biệt là năm 2007, tạo tiềm lực vững mạnh hơn cho Việt Nam phát triển kinh tế. “Mặc dù trong ngắn hạn, nền kinh tế có xuất hiện những yếu tố khó khăn; tuy nhiên, nhìn vào những tiềm năng nội tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng tích cực về kinh tế Việt Nam ở tầm trung và dài hạn”, ông Hải cho biết thêm.

Vẫn còn nhiều tiềm năng

Về thị trường vốn, theo ông Kelvin Lee, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaSecurities, thị trường vốn Việt Nam đang là vấn đề “nóng” trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, không phải là không có cơ hội.

Ông Kelvin cho rằng giá trị của các doanh nghiệp trên thị trường OTC hiện nay có khoảng 9 tỉ USD, trong khi giá trị của các công ty niêm yết có khoảng 6 tỉ USD. Với việc sẽ có thêm sàn dành cho thị trường OTC trong thời gian tới, chắc chắn khả năng thị trường vốn sẽ được mở rộng. Chưa kể, có nhiều công ty, tập đoàn lớn cổ phần hóa nên cơ hội đầu tư vào thị trường này là rất lớn.

Trước hiện tượng một số nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gần đây đã có dấu hiệu rút lui khỏi thị trường Việt Nam, ông Philip Crouch, Giám đốc nhân sự Ngân hàng ANZ, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi Việt Nam trong giai đoạn này là không nên. Với ANZ, dù vào Việt Nam không lâu nhưng ANZ vẫn có thể tự tin công bố mức độ tăng trưởng năm qua là khá tốt.

Các diễn giả cũng cho rằng, cơ hội cho đầu tư vào lĩnh vực tài chính, cụ thể là ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán còn nhiều. Theo ông Philip Crouch, hiện tại chỉ chưa đầy 10% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, số này chỉ tập trung ở Hà Nội và Tp.HCM. Đây là cơ hội cho các ngân hàng 100% vốn nước ngoài như ANZ đầu tư mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Theo Tú Uyên
thoibaokinhte.gif