Việt Nam với thế và lực phát triển bứt phá trong giai đoạn tới

Minh Thư

Trong 50 năm xây dựng và phát triển đất nước sau ngày thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu tạo thế và lực để bứt phá trong giai đoạn tới.

Việt Nam với thế và lực vươn tầm bứt phá trong chuyển đổi số phát triển trong giai đoạn tới.
Việt Nam với thế và lực vươn tầm bứt phá trong chuyển đổi số phát triển trong giai đoạn tới.

Từ một đất nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư. Hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.Việt Nam cũng đã đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.

Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD , gần gấp 58 lần sau ba thập kỷ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều với tiêu chí cao hơn trước) năm 2023. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, giai đoạn 2021-2023 tăng 8,94%.

Tăng trưởng dựa nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mức đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn hơn, giai đoạn 2011-2025 là 34,75%, giai đoạn 2016-2020 là 46,04% và giai đoạn 2021-2023 là 37,61%. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Việt Nam đã hoàn thành và về đích sớm các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế... đều có sự phát triển vượt bậc. Vị thế, uy tín trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao...

Tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới, Việt Nam đang có các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Năm 2024 là năm đánh dấu vươn tầm bứt phá của Việt Nam trong chuyển đổi số. Việc ra đời Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là kim chỉ nam cho Việt Nam thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vươn tầm bước vào kỷ nguyên số hướng tới trở thành quốc gia hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Nghị quyết số 57-NQ/TW đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển.

Bên cạnh đó, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tạo khí thế mới trong toàn xã hội. Nhiều thể chế, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện tạo điều kiện cho chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Thương mại điện tử phát triển. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), ước tính quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 đạt 32 tỷ USD và đạt tốc độ tăng trưởng 27%. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2024 đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng (hơn 45,5 tỷ USD). Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam.

Công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả nổi bật. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các chỉ số quốc tế về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và an toàn, an ninh mạng của Việt Nam thăng hạng đáng kể. Theo Báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.

Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (E-Government Development Index - EGDI) của Liên Hợp Quốc về xếp hạng Chính phủ điện tử toàn cầu cho thấy, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022- đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hợp Quốc năm 2003.

Về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 đạt 0,7709 điểm, là một trong những nước có EGDI ở mức Rất cao và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,6382), của khu vực Châu Á (0,6990) và của khu vực Đông Nam Á (0,6928). Trong bảng Chỉ số tham gia điện tử (EPI) năm 2024, Việt Nam đạt 0,6027, xếp thứ 72 trên thế giới, cao hơn mức trung bình của thế giới (gần 0,5).

Về dịch vụ công trực tuyến, trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tính đến ngày 30/12/2024, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.427 thủ tục; 2.645 dịch vụ công cho công dân, 2.409 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên Cổng khoảng 395,7 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng khoảng 61 triệu hồ sơ. Hạ tầng số, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,8%; tỷ lệ gia đình sử dụng internet cáp quang băng thông rộng đạt 82,9%.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính) năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,09% so với năm 2023. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023).

Với những kết quả đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước Việt Nam đã tiến những bước dài trên con đường xây dựng đất nước. Thành tựu đạt được trong những năm qua chính là động lực để Việt Nam vươn lên hoàn thành những mục tiêu, khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với thế và lực phát triển bứt phá trong giai đoạn tới./.