Kỷ nguyên mới cho hợp tác đầu tư châu Á
Ngày 22/4, tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)- Bộ Tài chính và Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) đã ký kết loạt Biên bản ghi nhớ (MOU) song phương với 3 hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á: Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm Hàn Quốc (KVCA); Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm và Tư nhân Singapore (SVCA); Hiệp hội Đầu tư Mạo hiểm và Tư nhân Hồng Kông (Trung Quốc) (HKVCA).

Ba tổ chức này hiện đang quản lý tổng tài sản lên đến 5 nghìn tỷ USD. Đây là lần đầu tiên các tổ chức vốn tư nhân lớn của châu Á chính thức liên kết tạo nên một khối đầu tư khu vực với mục tiêu chung và hành động phối hợp.
"Đây không đơn thuần là một MOU - mà là một khoảnh khắc mang tính lịch sử," ông Max-F. Scheichenost, Thành viên hội đồng quản trị của VPCA nhấn mạnh: “Biên bản này đánh dấu một kỷ nguyên mới cho sự hội tụ của hệ sinh thái vốn tư nhân châu Á - dựa trên nền tảng của niềm tin, tôn trọng, hợp tác khu vực và tăng trưởng bền vững. Và tại trung tâm của làn sóng đó - là Việt Nam.".
Được biết, năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 25,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Israel, Singapore và Trung Quốc đã "mở khóa" các dòng vốn dài hạn và thương mại song phương.
Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và startup sẵn sàng IPO như VNG, The CrownX, và Momo.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn và phân cực, biên bản hợp tác này kết nối 4 nền kinh tế trọng yếu của châu Á, hình thành một khối liên minh với sức mạnh đầu tư lớn, năng lực đổi mới sáng tạo vượt trội và thị trường nội địa sâu rộng.
Biên bản MOU cũng thể hiện cam kết sẽ thúc đấy cơ hội đồng đầu tư giữa các thị trường Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc); hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng và luân chuyển nhân tài; tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo, sự kiện và đối thoại chính sách; khởi xướng các chương trình vận động chính sách chung nhằm hài hòa tiêu chuẩn pháp lý.
"Sáng kiến này sẽ đấy nhanh tốc độ xây dựng hệ sinh thái và mở rộng nguồn vốn lên gấp nhiều lần trong những năm tới. Đây là một cánh cửa mới cho startup Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho các nhà đầu tư tại châu Á dẫn dắt nguồn vốn tư nhân trong khu vực,” bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA và Giám đốc quỹ Do Ventures nhấn mạnh.
Song song với đổi mới sáng tạo, Chính phủ Việt Nam cũng đã đề ra kế hoạch phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại các thành phố trọng điểm, nhằm mở rộng chiều sâu thị trường vốn và thu hút thêm dòng vốn tổ chức quốc tế. Đây là bước đi chiến lược để khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm tài chính - đổi mới sáng tạo khu vực, với nền tảng nội lực vững chắc và kết nối sâu rộng toàn cầu.
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, với chức năng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đóng góp vào mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới, khoa học - công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.
NIC hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới và chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
NIC đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu, phát triển trên các trụ cột chính: Tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn và không gian làm việc chuyên nghiệp để thu hút doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; Xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, tập trung vào doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội và khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo toàn quốc, đảm bảo năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.