VietABank chuyển niêm yết sang HOSE và đẩy nhanh tăng vốn lớn

Hương Dịu

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển niêm yết từ UPCoM lên sàn HOSE, đi kèm với các phương án tăng vốn điều lệ gấp hơn 2 lần hiện tại. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VAB đã tăng mạnh 36,5% từ đầu năm 2025.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), tương đương vốn điều lệ gần 5.400 tỷ đồng. 

Hiện cổ phiếu VAB đang được giao dịch tại sàn chứng khoán UPCoM kể từ năm 2021. Thị giá cổ phiếu VAB trong phiên giao dịch ngày 21/5/2025 đang ở mức 12.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 4% so với phiên giao dịch trước, tăng gần 15,5% so với cuối tháng 4/2025 và tăng tới 36,5% so với đầu năm 2025.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025, cổ đông đã thông qua việc tiếp tục giao Hội đồng quản trị thực hiện và hoàn tất các thủ tục để niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE, song song với hoạt động niêm yết trái phiếu do VietABank phát hành ra công chúng trong khoảng thời gian từ ngày hoàn thành ĐHĐCĐ thường niên 2025 đến ngày hoàn thành ĐHĐCĐ 2026.

Ban lãnh đạo VietABank cho biết, dự báo tình hình kinh tế năm 2025 có nhiều thuận lợi, thị trường chứng khoán khởi sắc, tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Vì thế, việc chuyển sàn nhằm nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của các cổ đông, đồng thời tranh thủ cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư.

Từ đầu năm 2025 đến nay, giá cổ phiếu VAB đã tăng khá mạnh, khối lượng giao dịch bình quân khoảng 970.000 cổ phiếu/ngày.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá cổ phiếu VAB đã tăng khá mạnh, khối lượng giao dịch bình quân khoảng 970.000 cổ phiếu/ngày.

Theo báo cáo thường niên năm 2024, VietABank được thành lập từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng là Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Đà Nẵng.

Vốn điều lệ từ khi thành lập của VietABank là 71 tỷ đồng, đến năm 2022 đã tăng lên 5.400 tỷ đồng. Năm 2025, ĐHĐCĐ VietABank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.182 tỷ đồng, mức tăng tương đương 114,5% hiện tại bằng 3 hình thức phát hành cổ phiếu. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của VietABank dự kiến sẽ lên đến 11.582 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ và người có liên quan từ VietABank, cơ cấu cổ đông lớn và người có liên quan đang nắm giữ hơn 78,6% vốn điều lệ của VietABank. 

Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và các cổ đông có liên quan đến Công ty nắm giữ hơn 68,6% vốn điều lệ.

Cụ thể, VietABank hiện có 4 cổ đông lớn là tổ chức gồm: Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và người có liên quan sở hữu tổng cộng 19,84% vốn điều lệ, Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sở hữu 4,97%, Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC sở hữu 2,77%, Công ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp - Thương Mại Củ Chi sở hữu 1,2%.

Các cổ đông cá nhân là ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và người có liên quan sở hữu tổng cộng 18,6%; ông Trần Tiến Dũng - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc VietABank sở hữu 1,02%.

Theo cập nhật mới nhất vào tháng 11/2024 thì 2 cổ đông cá nhân là bà Đỗ Thị Ngọc Hà (em dâu của bà Phương Minh Huệ - Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Đầu tư Việt Phương) và bà Lê Thị Lan (mẹ vợ ông Phương Hữu Việt) đã giảm xuống dưới 1% hoặc không còn sở hữu vốn trực tiếp, nhưng người liên quan vẫn nắm tỷ lệ cao lần lượt là 13,47% và 16,75% vốn điều lệ.

Năm 2025, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.306 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với kế hoạch năm 2024, tổng tài sản tăng 7,1% lên gần 128.381 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 10,3% lên 88.110 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, lợi nhuận tước thuế của VietABank đạt gần 353 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 27% kế hoạch lợi nhuận cả năm.