Điểm lại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm 2025:
Ngân hàng tìm đường lớn, mở cơ hội phát triển
Mua lại hoặc thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ… là những kế hoạch lớn đã được cổ đông nhiều ngân hàng thông qua. Bởi theo giải trình của lãnh đạo các ngân hàng, những kế hoạch lớn này sẽ góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển đầy đủ hệ sinh thái tài chính.

Hoàn thiện những “mảnh ghép” cho hệ sinh thái tài chính
Phải đến sát ngày họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên ngày 28/4/2025, HĐQT VPBank mới công bố tờ trình và được cổ đông thông qua góp vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tham gia của VPBank và các bên liên quan tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép (100%).
Ngoài ra, cổ đông VPBank cũng đã thông qua phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của VPBank.
Chia sẻ về kế hoạch nhiều bất ngờ này tại ĐHĐCĐ VPBank ngày 28/4/2025, ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay, ngân hàng muốn vượt ra khỏi khuôn khổ là một ngân hàng đơn lẻ và xây dựng một tập đoàn tài chính đa ngành gồm: ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES). Vì thế, VPBank cần hoàn thiện“càng sớm càng tốt” 2 “mảnh ghép” là bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ.
Hơn nữa, theo ông Quân, nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, ngân hàng sẽ bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng, nên VPBank sẽ tìm phương án hợp lý và có lợi nhất cho ngân hàng, nhất là khi đã có kinh nghiệm vận hành OPES và trong thời buổi ứng dụng công nghệ số, AI…

Công bố sớm hơn là Techcombank khi lên kế hoạch thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Kỹ thương (TCLife), với vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng. Techcombank sẽ sở hữu ít nhất 50% vốn công ty này.
Techcombank cũng dự kiến chi 285 tỷ đồng để mua lại 57% vốn của Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) từ cổ đông lớn nhất là Công ty Đầu tư và phát triển NewCo, để trở thành công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu tăng từ 11% lên 68% vốn điều lệ.
Về vấn đề này, ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank cho hay, ngân hàng đã xin thành lập và đang chờ Bộ Tài chính cấp giấy phép.
Ông Jens Lottner nhận định, bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực rất quan trọng, không chỉ với khách hàng cá nhân mà còn quan trọng hơn nữa với thị trường vốn, khi nhiều dự án về cơ sở hạ tầng cần nguồn vốn lâu dài, thì vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu sẽ khó đáp ứng được. Hơn nữa, Techcombank đang hướng tới việc hợp tác với các đối tác chiến lược để xây dựng một hệ sinh thái toàn diện.
Nói về khả năng sinh lời của công ty bảo hiểm, Tổng giám đốc Techcombank bày tỏ tin tưởng có thể tạo ra lợi nhuận trong thời gian ngắn hơn, nhưng cần phụ thuộc vào quy định pháp lý, bối cảnh thị trường.
Thừa nhận sẽ có nhiều thách thức, nhưng ông Jens Lottner cho rằng, công ty bảo hiểm kinh doanh hiệu quả, cung cấp sản phẩm - dịch vụ tốt, có cơ chế phân phối phí bảo hiểm hợp lý thì việc tạo ra giá trị không chỉ nằm ở lợi nhuận mà là những giá trị lâu dài hơn.
Cũng liên quan đến Techcombank, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT cho biết, ngân hàng có chủ trương đưa TCBS lên sàn trong năm nay, có thể vào cuối năm. Điều này còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thị trường tài chính, cũng như việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, để làm sao sử dụng nguồn vốn thu về đảm bảo hiệu quả đầu tư và duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao.
Tận dụng cơ hội cho tăng trưởng
ĐHĐCĐ của MSB ngày 21/4/2025 đã thông qua kế hoạch góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của MSB.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc MSB cho hay, mục tiêu của MSB là các công ty chứng khoán có tài sản sạch và quy mô vốn điều lệ khoảng 300-500 tỷ đồng. Sau đó, MSB sẽ tham gia điều hành và điều chỉnh tăng vốn để phù hợp với quá trình phát triển, đồng thời hỗ trợ các sản phẩm liên quan.
Theo Ban lãnh đạo MSB, việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm giúp MSB mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính trọn gói; cũng như giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, nâng tầm sự phát triển dài hạn của thị trường.
Tương tự, cổ đông SeABank cũng đã thông chủ trương mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN để công ty này trở thành công ty con của SeABank. Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN có vốn điều lệ hiện tại 1.500 tỷ đồng, SeABank có thể mua tối đa 100% vốn điều lệ.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ của các ngân hàng cũng đã thông qua một số kế hoạch quan trọng. Chẳng hạn, KienlongBank lên phương án niêm yết cổ phiếu KLB. Hiện tại, cổ phiếu KLB đã đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch UPCoM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Ngân hàng cho biết việc niêm yết thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu Kienlongbank là điều cần thiết chứng minh ngân hàng ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là công ty đại chúng quy mô lớn, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Cổ đông VietABank cũng tiếp tục giao HĐQT thực hiện và hoàn tất các thủ tục để niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE, thay vì UPCoM như hiện nay, song song với hoạt động niêm yết trái phiếu do VietABank phát hành ra công chúng.
Theo HĐQT VietABank, việc chuyển sàn nhằm nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu, đồng thời tranh thủ cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư.
Những định hướng phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam đang là động lực để các ngân hàng hoạch định kế hoạch kinh doanh, vươn lên trở thành những tập đoàn tài chính đa năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Tuy nhiên, trong hành trình này, sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngân hàng phải có chiến lược quản trị rõ ràng, năng lực vận hành hiệu quả và quan trọng nhất là khả năng tích hợp công nghệ để tối ưu trải nghiệm khách hàng. Nếu được triển khai bài bản, đây sẽ là cú hích quan trọng giúp ngành ngân hàng góp phần làm sâu sắc hóa thị trường vốn trong nước, đảm bảo lợi ích bền vững của cổ đông lẫn khách hàng.