VietABank: Lãi quý I/2025 tăng 40%, nợ nhóm 2 gấp 4 lần

Hương Dịu

Là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý I/2025, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ghi nhận lãi trước thuế tăng mạnh và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm mạnh, nhưng chất lượng nợ vay thực sự vẫn là một dấu hỏi.

Thu nhập lãi thuận tăng, nhưng mua bán chứng khoán đầu tư của VietABank chuyển từ lãi sang lỗ.
Thu nhập lãi thuận tăng, nhưng mua bán chứng khoán đầu tư của VietABank chuyển từ lãi sang lỗ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý đầu năm 2025, thu nhập lãi thuần của VietABank đạt hơn 612,5 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi từ dịch vụ tăng trưởng mạnh với hơn 40 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm trước. Trong khi các nguồn thu ngoài lãi khác sụt giảm như lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 59% còn 4 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác giảm 81% từ gần 61,6 tỷ đồng xuống còn gần 12 tỷ đồng.

Đặc biệt, mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lãi hơn 17,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước sang lỗ gần 2,7 tỷ đồng trong quý I/2025.

Cũng trong quý I/2025, VietABank giảm mạnh 48% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích hơn 87 tỷ đồng. Qua đó, VietABank có lãi trước thuế gần 353 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo dự thảo tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2025 mà HĐQT VietABank chuẩn bị trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên thông qua vào ngày 26/4/2025 tới, ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 1.306 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2024.

Dự kiến kế hoạch kinh doanh năm 2025 theo dự thảo tờ trình ĐHĐCĐ 2025.
Dự kiến kế hoạch kinh doanh năm 2025 theo dự thảo tờ trình ĐHĐCĐ 2025.

Như vậy, kết quả lợi nhuận thực hiện được trong quý I/2025 hiện bằng 27% mục tiêu dự kiến đặt ra.

Về tổng tài sản, tính đến 31/03/2025, tổng tài sản VietABank tăng 8% so với đầu năm lên hơn 129.046 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 6,2% lên 84.910 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 4% lên 93.896 tỷ đồng.

Đáng chú ý, về chất lượng nợ vay, khối lượng nợ xấu giảm mạnh tới 51% so với đầu năm, chỉ còn hơn 536 tỷ đồng, với các nhóm nợ xấu đều giảm như nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 30%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 91%, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 8%. Qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ 1,37% đầu năm xuống còn 0,63%.

Tuy nhiên, khối lượng nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lại tăng đột biến hơn 4,3 lần so với đầu năm 2025, từ gần 333,7 tỷ đồng lên gần 1.452 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ.

Báo cáo tài chính của VietABank đã dẫn lại các thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn từ năm 2020 đến năm 2023.

Điều này có thể phần nào lý giải tại sao nợ nhóm 2 tăng mạnh, trong khi các nhóm nợ xấu lại giảm. Đây cũng là yếu tố giúp chi phí dự phòng của ngân hàng này giảm mạnh.

Cũng theo tài liệu trình ĐHĐCĐ tới đây, VietABank dự kiến tăng vốn điều lệ trong năm 2025 thêm 6.183 tỷ đồng lên hơn 11.582 tỷ đồng theo 3 phương án.

Đó là phát hành tối đa hơn 285 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại chưa phân phối với tỷ lệ 52,8%.

VietABank cũng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ phát hành 3,7%, với giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu để có thể thu về 200 tỷ đồng.

VietABank dự kiến phát hành tối đa hơn 313 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền 100:58, với giá dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành dự kiến gần 3.132 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2025.

Đặc biệt, VietABank cũng dự kiến trình thông qua việc niêm yết cổ phiếu VAB tại Sở giao dịch chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi. 

Hiện trên sàn UPCoM, cổ phiếu VAB đang giao dịch quanh mức 10.300 đồng/cổ phiếu, biến động không mạnh từ đầu năm đến nay.

HĐQT cũng trình niêm yết trái phiếu do VietABank phát hành ra công chúng trong khoảng thời gian từ ngày hoàn thành ĐHĐCĐ thường niên 2025 đến ngày hoàn thành ĐHĐCĐ 2026.

HĐQT VietABank cũng xin ý kiến thông qua chủ trương đầu tư góp vốn hoặc mua cổ phần; thành lập, mua lại công ty con, công ty liên yết trong các lĩnh vực như chứng khoán, cho thuê tài chính, bảo hiểm, quản lý nợ, kiều hối, vàng… với giá trị góp vốn, mua cổ phần không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của VietABank./.