Vì sao ngân hàng lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán?
Với tiềm lực vốn lớn, việc sở hữu công ty chứng khoán đã và đang là bước đi chiến lược của các ngân hàng. Nên mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, đã có 2 ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua lại công ty chứng khoán.
Tại SeABank, một nội dung đáng chú ý được đưa ra trình ĐHĐCĐ sắp tới là dự kiến mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (Asean Securities) để công ty này trở thành công ty con của ngân hàng.
Asean Securities thành lập năm 2006, với vốn điều hiện tại là 1.500 tỷ đồng. SeABank dự kiến sẽ mua cổ phần để sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Thời gian thực hiện trong năm 2025 và/hoặc phù hợp với chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
SeABank cho biết việc trở thành công ty mẹ của Asean Securities sẽ giúp cả hai bên phát huy được các lợi thế sẵn có về công nghệ, khách hàng và các nguồn lực khác cũng như cộng hưởng thương hiệu, nâng cao uy tín, hiệu quả kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh của SeABank.
Tương tự, năm nay, MSB cũng trình cổ đông thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để các công ty này trở thành công ty con của MSB. Ban Lãnh đạo Ngân hàng đánh giá bước đi này có thể giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, hưởng lợi từ sự phát triển của dài hạn của thị trường. Hiện tại, Ngân hàng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác phù hợp, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025 hoặc phù hợp với chấp thuận của cơ quan Nhà nước.
Lý giải tại tờ trình của HĐQT SeABank và MSB đều cho rằng, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế để tạo ra tiền để phát triển cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế, mặc dù chịu nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới.
Trong các năm tới, MSB kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển cả về chất và lượng, với nhiều yếu tố hỗ trợ, với mục tiêu vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP vào năm 2030.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.
Mục tiêu dự báo sẽ thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam.
Về định hướng hỗ trợ ngân hàng, tờ trình của MSB nhận định, việc đầu tư vào công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để giúp MSB mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính trọng gói như: môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư chứng khoán đến quản lý tài sản và đầu tư quỹ.
Qua đó, giúp MSB trở thành một hình tài chính toàn diện, tương tự như các ngân hàng lớn đã thành công với mô hình này. MSB sẽ quản lý tài sản khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lớn từ ngân hàng bán lẻ.
Việc sở hữu một công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ giúp MSB đã gia tăng năng lực cấp dịch vụ chứng khoán và quản lý tài sản cao cấp, phục vụ khách hàng tiềm năng, quy mô lớn, cả với chứng khoán, trái phiếu… giúp đa dạng hóa lựa chọn đầu tư.
Việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, nâng tầm sự phát triển dài hạn của thị trường. Đặc biệt, MSB sẽ có lợi thế lớn khi vừa cung cấp dịch vụ ngân hàng vừa hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán.
Với SeABank, việc mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm dịch vụ, bán chéo sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối cho các nhóm đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, đa dạng hóa hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng hóa doanh thu và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.
Thực tế, những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã sở hữu các công ty chứng khoán.
Như với VPBank, trước năm 2016, ngân hàng này là cổ đông lớn nhất của Công ty Chứng khoán VPS. Nhưng do thay đổi định hướng kinh doanh, đến năm 2022, VPBank mua lại Công ty Chứng khoán ASC, đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) và rót tiền để tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) được ACB sở hữu 100% vốn. 2 năm trở lại đây, ACB cũng đã đầu tư cho ACBS với lộ trình tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) có cổ đông lớn là LPBank. Techcombank đang sở hữu hơn 94% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).
Đầu năm 2024, TPBank đã hoàn thành mua lại Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 99,9%. Tính đến hết năm 2024, TPBank sở hữu 9,01% vốn tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), giá trị góp vốn thực là 270,3 tỷ đồng.
Một số công ty chứng khoán khác cũng do ngân hàng sở hữu trực tiếp hoặc có tên thương hiệu gắn liền với ngân hàng như Công ty Chứng khoán MB (MBS), Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)...