Vietcombank: Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn

PV.

Theo quan sát từ đầu năm đến nay, diễn biến trên thị trường tín dụng khá sôi động, báo cáo kết quả kinh doanh từ một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021. Ðáng chú ý, với mức tăng trưởng tín dụng quý I/2021 đạt 3,7%, mức cao so cùng kỳ năm 2020, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống về quy mô tăng trưởng tín dụng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank về tốc độ tăng trưởng tín dụng tại nhà băng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phóng viên (PV): Ông đánh giá ra sao về tốc độ tăng trưởng tín dụng của Vietcombank trong những tháng đầu năm, đặc biệt là trong tháng gần nhất vừa qua?

Ông Nguyễn Thanh Tùng Phó Tổng Giám đốc Vietcombank
Ông Nguyễn Thanh Tùng
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Những tháng đầu năm 2021, nền kinh tế chứng kiến một sự tăng trưởng tín dụng vượt xa so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể là đến hết quý I/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là khoảng 2,93%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Có được kết quả trên là nhờ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhằm góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm.

Về phía Vietcombank, đến hết quý I, tốc độ tăng trưởng đạt 3,7%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ là 2,9%. Tính đến thời điểm ngày 20/5/2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt con số 5,6%. Như vậy, Vietcombank đã vượt kế hoạch tăng trưởng của quý II cũng như đã hoàn thành đến 93% kế hoạch tăng trưởng tín dụng của cả năm 2021.

PV: Vietcombank lý giải thế nào về tốc độ tăng trưởng tín dụng này?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Hiện nay, quy mô tín dụng trên GDP rơi vào khoảng 140%, như vậy để phục vụ tăng trưởng GDP theo đúng định hướng của Chính phủ trong điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh thì mức độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2021 sẽ dao động từ khoảng 11%-13% là mức hợp lý.

Tại Vietcombank, trong những tháng đầu năm, chúng tôi đã tập trung tăng trưởng tín dụng vào cả đối tượng khách hàng thể nhân và đối tượng khách hàng tổ chức. Hiện nay, đối tượng khách hàng thể nhân đã đóng góp 70% vào mức độ tăng trưởng tín dụng và được đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt và sản xuất của khách hàng cá nhân.

Về khách hàng tổ chức, Vietcombank tập trung triển khai vào lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: năng lượng tái tạo; dệt may, da giày để phục vụ xuất khẩu, thương mại xăng dầu phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Tôi nghĩ rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng tín dụng cao của nền kinh tế cũng như của Vietcombank trong những tháng đầu năm chính là việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời triển khai tiêm vắc xin. Điều này góp phần rất quan trọng nhằm tạo sự yên tâm, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của người dân cũng như của các doanh nghiệp.

Một số động lực khác có thể kể đến như: nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dùng vốn đầu tư FDI, quy mô xuất nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Ngoài ra, không thể không kể đến việc giải ngân đầu tư công, đây là những đồng vốn có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2021.

Về phía Vietcombank, động lực góp phần tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm đó là hệ quả của một loạt giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai trong suốt năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Đầu tiên là việc thực hiện cơ cấu nợ cho các khách hàng theo Thông tư 01, Thông tư 03 của NHNN, tiếp đó là việc tiến hành nhiều đợt giảm lãi, giảm phí nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai trong suốt năm 2020. Vietcombank luôn duy trì mặt bằng lãi suất thấp so với thị trường và triển khai cải tiến quy trình cấp tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho KH tiếp cận được đồng vốn từ ngân hàng.

Đấy là những giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai trong những giai đoạn khó khăn này để hỗ trợ cho các khách hàng tiếp cận được nguồn vốn một cách kịp thời và với chi phí thấp để hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh. Việc đồng hành cùng các khách hàng trong những giai đoạn khó khăn đã giúp chúng tôi có được sự quan tâm, hợp tác lâu dài của khách hàng. Đấy là nhân tố góp phần tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank trong năm 2020 cũng như 2021 ở mức cao so với mặt bằng chung toàn ngành Ngân hàng.

PV: Vietcombank kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng ra sao từ nay tới cuối năm, so với hạn mức 10,5% được NHNN giao chỉ tiêu?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: NHNN đã giao chỉ tiêu cho Vietcombank với mức 10,5% căn cứ vào một số các chỉ tiêu như chất lượng tín dụng, khả năng tăng trưởng tín theo đúng định hướng, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn, và hiện nay thì các chỉ số này tại Vietcombank đang ở mức rất tốt. Đây cũng là room tăng trưởng lớn nhất so với các NHTM lớn trên thị trường cũng như trong toàn hệ thống.

Trên cơ sở các danh mục khách hàng, các giải pháp đồng bộ mà Vietcombank đã triển khai thì chúng tôi nghĩ rằng nếu được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức 14% thì Vietcombank cũng có thể hoàn toàn đạt được con số này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!