Vietcombank dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận 2023 để chia cổ tức
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HOSE: VCB) dự kiến sử dụng toàn bộ lợi nhuận ròng sau điều chỉnh và trích lập các quỹ, gần 25 nghìn tỷ đồng để chia cổ tức nếu được cơ quan nhà nước thông qua.
Sáng 27/4, Vietcombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Số cổ đông tham dự là 114 người, đại diện cho 585 cổ đông, sở hữu gần 5,3 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 94,52% số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành Đại hội. Nhiều nội dung về kế hoạch kinh doanh, tăng vốn, chia cổ tức… đã được trình ĐHĐCD.
Trong tờ trình tới các cổ đông, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng riêng lẻ là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng. Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Tuy nhiên, Ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.
Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố kế hoạch tương tự về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022. Đồng thời, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018.
Nếu phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu được phê duyệt cho toàn bộ số lợi nhuận còn lại năm 2023 và hoàn thành tất cả phương án nêu trên, vốn điều lệ có thể lên tới 130.243 tỷ đồng. Hiện nay, vốn điều lệ của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Như vậy, có thể ước tính tổng tài sản của Vietcombank sẽ tiến sát mốc 2 triệu tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao. Ước tính, tổng huy động thị trường 1 có thể đạt 1,52 triệu tỷ đồng trong năm 2024.
Theo Công văn số 3453/NHNN-TCKT ngày 24/4, Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tối đa là 15,93%. Nếu sử dụng hết hạn mức này, dư nợ tín dụng của Vietcombank sẽ lên mức 1,48 triệu tỷ đồng vào cuối 2024.
Về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết tính đến ngày 31/3/2024, huy động vốn trên thị trường 1 của ngân hàng đạt 1,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,31%, tương đương giảm hơn 46.000 tỷ đồng, giảm ở tất cả các phân khúc bán buôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp FDI. Huy động vốn được giảm có chủ đích nhằm đảm bảo tỷ suất sinh lời (NIM), hiệu quả sử dụng vốn.
Trong hoạt động tín dụng, tổng dư nợ cho vay của Vietcombank trong 3 tháng đầu năm giảm 0,42%, tương ứng khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu giảm ở phân khúc tín dụng bán lẻ. Doanh số thanh toán quốc tế, ngoại hối tăng 4,21% so với cùng kỳ, hoàn thành 98% kế hoạch quý I.
Theo ông Tùng, thu nhập lãi thuần quý I/2024 giảm do tác động giảm lãi suất sâu, thu ngoài lãi giảm do kinh doanh ngoại tệ, thu thuần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại cũng đi xuống. Hết quý I/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ. Nợ xấu bán buôn không phải bất ngờ, mà từ khách hàng ngày trong 2023 đã nhận diện, đưa vào nợ tiềm ẩn rủi ro và đang có giải pháp xử lý.
Do bối cảnh tình hình kinh tế, nợ xấu với bán lẻ và bán lẻ vay vốn bất động sản gia tăng trong năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy nhiên, nợ xấu bán lẻ có khẩu vị rủi ro chặt chẽ, nên tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ cao, khả năng mất vốn không nhiều. Trái phiếu doanh nghiệp, BOT, BT, chứng khoán gần như không có nợ xấu. Hết năm 2024, Ban Lãnh đạo ngân hàng cam kết đưa nợ xấu về mức kiểm soát dưới 1,5%.