Vietnam Foodexpo 2017: Kết nối giao thương, mở đường phát triển
Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo 2017) là điều kiện thuận lợi thúc đẩy các cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương, đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất cho các DN ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam ở trong nước và trên thị trường nước ngoài.
Vào siêu thị ngoại bằng gian hàng thu mua
Theo các chuyên gia, với vùng nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, sản lượng dồi dào, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không cao.
Vì vậy, hiện nay, các địa phương, DN áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu như phát triển thương hiệu, nâng cao kỹ năng quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến là mấu chốt căn bản để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, để cho DN Việt tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ và chuỗi cung ứng toàn cầu, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp tổ chức khu gian hàng thu mua của 3 chuỗi siêu thị lớn là Hapro Mart, Lotte Mart và Big C. Các DN nông sản thực phẩm muốn đẩy mạnh hệ thống phân phối của mình sẽ có cơ hội tiếp cận với hệ thống siêu thị bán buôn, bán lẻ nước ngoài.
Hơn thế, dịp này, triển lãm cũng đã có kế hoạch tổ chức hội nghị giao thương cho các DN tiếp cận khách hàng tiềm năng đến từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, EU, Singapore, Malaysia, Trung Đông, Hồng Kông... và từ nhiều địa phương trên cả nước.
Tại triển lãm lần này, Cộng hòa Pháp được lựa chọn là Quốc gia danh dự. Ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, Pháp sẽ giới thiệu toàn cảnh ngành công nghiệp thực phẩm, từ các lĩnh vực thịt chế biến, các sản phẩm từ sữa, nông sản... tới máy móc công nghệ chế biến thực phẩm với cam kết “Chất lượng là tiêu chuẩn”.
Thông qua Hội nghị bàn tròn về “Hương vị, chất lượng và an toàn thực phẩm”, các chuyên gia sẽ trao đổi về các biện pháp nhằm đảm bảo thực phẩm sạch từ trang trại tới bàn ăn qua hội thảo “Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro của thức ăn chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam”.
Cơ hội để tiếp cận thị trường
Những năm gần đây, các sản phẩm nông sản và thực phẩm Việt đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú cho nhiều nước trên thế giới, khẳng định cơ hội và tiềm năng phát triển rất lớn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm PAN cho biết, công ty thực hiện việc phát triển và nâng cao vị thế nền nông nghiệp Việt Nam bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ Việt Nam, cho Việt Nam và cả thế giới. Tập đoàn PAN tiếp tục khẳng định giấc mơ gìn giữ thương hiệu Việt với hàng chục sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cao cấp đã vượt đại dương vươn xa khắp thế giới.
Triển lãm cũng đã mang lại cơ hội tiếp cận ngay tại Việt Nam nhiều loại máy móc, thiết bị tiên tiến của thế giới, thay vì việc phải đi ra nước ngoài để tìm hiểu. Đồng thời, tăng những hiểu biết về các xu hướng sản xuất nông sản của Việt Nam và thế giới. Điều này giúp cho DN trong nước có định hướng rõ nét trong việc phát triển năng lực nội tại để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Philippe Kechichian, một doanh nhân đến từ Bồ Đào Nha cho biết, tại Vietnam Foodexpo, ông đã lựa chọn được những DN và sản phẩm uy tín của Việt Nam, đặt vấn đề tìm hiểu cơ sở sản xuất, năng lực cung cấp và thỏa thuận mua hàng.
“Vietnam Foodtech 2017 giới thiệu về các công nghệ, máy móc hiện đại, phục vụ sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm thực phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao và giá cả cạnh tranh. Các DN sẽ tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm của các DN chế biến thực phẩm trong nền sản xuất cạnh tranh và thị trường thực phẩm có yêu cầu khắt khe của thế giới. Đồng thời, DN sẽ được hỗ trợ phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu”, ông Tạ Hoàng Linh khẳng định.
Bộ Công Thương khẳng định trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng của sản lượng sản xuất ngành chế biến thực phẩm mới chỉ 9%, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.