Tận dụng cơ hội để phát triển thương hiệu
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Đỗ Kim Lang cho rằng, Việt Nam phải học hỏi Hàn Quốc rất nhiều trong việc phát triển thương hiệu. Bởi khởi điểm của Việt Nam và Hàn Quốc là như nhau khi mới bắt đầu hội nhập, tuy nhiên, việc đưa sản phẩm, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp của Hàn Quốc ra thế giới rất hiệu quả.
Hàn Quốc chưa biết nhiều đến các thương hiệu Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc đứng số 1 trong 192 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 12 tỷ USD, trong đó, sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp thuần Việt chiếm 3 tỷ USD, tập trung ở ngành hàng nông, lâm, thủy sản.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết năm 2016, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Thương mại song phương tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua lên gần 87 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Đỗ Kim Lang cho rằng, Việt Nam phải học hỏi Hàn Quốc rất nhiều trong việc phát triển thương hiệu. Theo ông, khởi điểm của Việt Nam và Hàn Quốc là như nhau khi mới bắt đầu hội nhập, tuy nhiên, việc đưa sản phẩm, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp của Hàn Quốc ra thế giới rất hiệu quả.
Còn với nước ta, hiện có 88 doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chí có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Chương trình Thương hiệu Quốc gia được khởi động từ năm 2003, tuy nhiên thời điểm đó nước ta còn ở tình trạng nhập siêu lớn, nên việc quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp và giới thiệu sản phẩm còn hạn chế.
Doanh nghiệp đa phần là nhỏ và vừa, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm gia công nên giá trị gia tăng hay nhãn hiệu, thương hiệu riêng của sản phẩm khi xuất khẩu còn yếu thế.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương Lê An Hải cho biết thêm, thực tế Hàn Quốc vẫn chưa biết nhiều đến các thương hiệu Việt Nam, đây là vấn đề đáng lo ngại. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thương hiệu nhưng vẫn chưa “cắm chân” được ở thị trường nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Một trong những lý do quan trọng là chưa làm tốt khâu thiết kế bao bì sản phẩm.
Tận dụng mọi cơ hội
Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc Yoon Sang Ho gợi ý cho các doanh nghiệp mới tham gia sản xuất và đang trên đường xây dựng thương hiệu có thể sử dụng “thương hiệu mượn” của các nhà phân phối đã có uy tín. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phân phối sản phẩm nhiều hơn vì người tiêu dùng đã có niềm tin với những siêu thị và nhà phân phối có tiếng.
Ông cũng cho biết, để xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu tâm lý của người tiêu dùng, hướng người tiêu dùng vượt qua những giá trị truyền thống bằng việc sử dụng hình ảnh đại diện cho sản phẩm để người tiêu dùng nhớ đến, sáng tạo được đặc trưng trong sản phẩm của mình, khiến cho người tiêu dùng cảm thấy đẹp hơn khi sử dụng sản phẩm này.
Bên cạnh đó, dựa vào những công dân Việt Nam đang hoạt động và làm việc tại Hàn Quốc sử dụng và quảng bá cho sản phẩm thương hiệu Việt Nam cũng là một giải pháp.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Lê An Hải gợi ý, doanh nghiệp khi sang giao thương, dự hội chợ tại nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, cần chuẩn bị thật kỹ, chủ động trao đổi hàng hóa, phải hiểu sản phẩm của mình.
Vào năm 2009, Hàn Quốc và Việt Nam ký xác lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược đã xác định mục tiêu tập trung xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm tinh túy mang đặc trưng riêng của Việt Nam với hai mục tiêu rất rõ ràng là phải thu hút tăng cường đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam và tạo không gian kinh tế, mở cửa thị trường Hàn Quốc cho sản phẩm của Việt Nam, giảm nhập siêu của nước ta.
Mục tiêu đã có, trọng tâm đã có, định hướng, chính sách của Chính phủ cũng đã có, chúng ta sẽ tận dụng mọi phương pháp hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi để thúc đẩy sản phẩm hàng Việt Nam sang Hàn Quốc, ông Hải nói.