VinaCapital lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành Ngân hàng Việt Nam
Theo ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, sự việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa qua không phải là vấn đề mang tính hệ thống và nhấn mạnh VinaCapital vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Ngày 8/10/2022, sau thông tin ban lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, truyền thông trong nước cho biết nguyên nhân là do “bị cáo buộc gian lận liên quan đến việc phát hành và mua bán trái phiếu” trong giai đoạn 2018-2019, trong khi báo chí nước ngoài đăng tải nguyên nhân là do "bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản thông qua các phương thức lừa đảo".
Theo sau những thông tin này, khách hàng của SCB xếp hàng để rút tiền tiết kiệm. Theo VNExpress, sự kiện này “làm dấy lên nghi ngờ rằng ngân hàng có quan hệ mật thiết với bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, sau khi bà này bị bắt vì nghi ngờ gian lận tài chính”.
Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital Michael Kokalari khẳng định, không có quỹ nào của VinaCapital đầu tư vào Vạn Thịnh Phát hoặc SCB và cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ban Lãnh đạo của SCB đã có những hành động quyết liệt để ổn định tình hình và hạn chế dòng tiền rút ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, SCB đã tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn trên 9 tháng thêm 100 điểm cơ bản lên hơn 8,5% đối với tiền gửi kỳ hạn một năm. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất dành cho người gửi tiết kiệm tại Việt Nam và NHNN khẳng định rằng Chính phủ sẽ bảo vệ khoản tiền gửi của SCB và khách hàng trong mọi trường hợp.
Cuối tuần qua, NHNN thông báo đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt. Theo đó, NHNN sẽ lựa chọn “nhân sự có kinh nghiệm và năng lực từ các ngân hàng thương mại của Nhà nước bao gồm: BIDV (BID), Agribank (chưa niêm yết), Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB) để tham gia vào Ban điều hành SCB nhằm “thực hiện các giải pháp cần thiết để đảm bảo hoạt động thông suốt và lành mạnh”.
NHNN cũng đã cam kết hỗ trợ thanh khoản mạnh mẽ cho ngân hàng và đã thu xếp để bốn ngân hàng thương mại quốc doanh (SOCB) của Việt Nam và năm ngân hàng tư nhân lớn Việt Nam cung cấp thanh khoản cho SCB trong trường hợp cần thiết.
Tất cả các biện pháp này đã xoa dịu thị trường, người đứng đầu NHNN đã tuyên bố hoạt động của SCB đã trở lại tình trạng “ổn định” vào cuối tuần trước. Cũng có báo cáo rằng khách hàng của ngân hàng này đã gửi hơn 700 triệu USD vào ngày 13/10/2022 và ngày 14/10/2022, tương đương với khoảng 3% tổng tài sản của ngân hàng.
Cũng theo Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, không có bất kỳ hậu quả tiềm ẩn nào trong hệ thống ngân hàng từ các sự kiện gần đây. Ông Michael Kokalari đánh giá, các ngân hàng khác không bị rút tiền ồ ạt; thị trường liên ngân hàng tiếp tục hoạt động bình thường kể từ khi có thông tin về SCB, và nhóm ngân hàng của S&P cho rằng rủi ro từ sự kiện này chỉ giới hạn ở từng ngân hàng và kỳ vọng không tác động mạnh mẽ đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam.
Ông Michael Kokalari nhận định, trong ngắn hạn, những lo lắng đối với ngành Ngân hàng có thể đến từ: Biên lợi nhuận mỏng và rủi ro được nhận thấy đối với chất lượng tài sản từ trái phiếu doanh nghiệp có khả năng không thể tái cấp vốn, chuyển nhượng hoặc hoàn trả trong bối cảnh các yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, định giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức rẻ. Trong dài hạn, ngành Ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp, thu nhập tăng.
Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhấn mạnh, sự việc của SCB vừa qua không phải là vấn đề mang tính hệ thống và vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành Ngân hàng Việt Nam. VinaCapital cũng khẳng định, không có quỹ nào của VinaCapital đầu tư vào Vạn Thịnh Phát, SCB hoặc bất kỳ công ty thành viên nào liên quan đến hai đơn vị này.