VinaPhone, MobiFone có tạo nên ‘cuộc chiến’ cước viễn thông?
(Taichinh) - Khi VinaPhone, MobiFone thoát khỏi danh mục doanh nghiệp thống lĩnh thị trường liệu có xuất hiện “cuộc chiến” giá cước viễn thông?
Manh nha cuộc chiến giá cước rẻ
Với Thông tư số 15/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 15/6, quy định về việc Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường (SMP) đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, đồng nghĩa với việc MobiFone, VinaPhone khi điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá đối với dịch vụ thông tin di động thì chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông, cũng như không bị cấm ban hành giá cước thấp hơn giá thành.
Trong bối cảnh thị trường thông tin di động đang bão hòa, giá cước, dịch vụ của 3 nhà mạng lớn nhất là Viettel, VinaPhone, MobiFone tương đương nhau, thì doanh nghiệp nào có giá cước thấp hơn, khuyến mại nhiều hơn sẽ được khách hàng chọn dùng.
Điều này đặt ra vấn đề, liệu VinaPhone và MobiFone có sử dụng được lợi thế rất lớn này để tiến hành một cuộc “so đấu” về giá cước nhằm giành thuê bao, doanh thu khi mà 2 nhà mạng này đang bị tụt thị phần.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết, khi không còn là doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, MobiFone được toàn quyền quyết định giá cước dịch vụ, trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh doanh và tuân thủ các quy định của Nhà nước. Với ưu thế này, MobiFone sẽ có điều kiện chủ động và linh hoạt trong việc cung cấp các sản phẩm gói cước hấp dẫn cho khách hàng.
Còn ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc VinaPhone cũng đánh giá rằng, Thông tư 15/2015/TT-BTTTT sẽ giúp các nhà mạng như VinaPhone chủ động hơn, linh hoạt hơn trong kinh doanh. Đặc biệt, VinaPhone có điều kiện để xây dựng những gói cước hấp dẫn cho khách hàng.
Chính việc MobiFone, VinaPhone được tự quy định giá cước dịch vụ viễn thông, nhưng không thấp hơn giá cước trung bình trên thị trường đã khiến Viettel không khỏi lo lắng.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến cạnh tranh về giá cước. Theo ông Dũng, nếu doanh nghiệp được rút ra khỏi vị trí thống lĩnh thị trường, đồng nghĩa với việc được “nới lỏng quản lý” hơn và nếu nhà mạng đó thay đổi chính sách về giá thì khách hàng sẽ nhao từ mạng này sang mạng kia, có nguy cơ gây xáo trộn thị trường di động.
Giá cước có phải là tất cả?
10 năm trước, khi Viettel tham gia thị trường viễn thông, lúc đó là thị trường độc quyền viễn thông của VNPT với 2 anh em VinaPhone và MobiFone. Năm 2004, giá cước cao ngất ngưởng, tỷ lệ người dùng di động mới chỉ đạt 5,5%.
Sau 10 năm, bằng những con đường đi và đặc biệt là chiến lược cạnh tranh về giá cước rẻ, hạ tầng phủ khắp, Viettel đã vươn vai thành người khổng lồ và đến nay đã giành hơn 52% thị phần.
Vì thế, dễ hiểu nỗi lo ngại của Viettel chính là việc các đối thủ dùng ngay chính “bài” của Viettel 10 năm trước để cạnh tranh với mình. Tất nhiên, bối cảnh cạnh tranh hiện nay đã khác rất xa thời điểm hơn 10 năm trước, Viettel hiện cũng không chỉ có di động mà đã tấn công cung cấp dịch vụ cho nhiều lĩnh vực khác. Nhưng di động vẫn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn cho Viettel và việc Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh thị trường sẽ gây không ít khó khăn cho chính họ.
Không quá lạc quan về việc VinaPhone thoát khỏi nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường và nhanh chóng “thắng” được đại gia Viettel, ông Nguyễn Văn Hải bình luận rằng “cạnh tranh với Viettel rất khó”.
Cái khó mà ông Hải chỉ ra ở đây là tình thế thời điểm này đã khác xa thời điểm Viettel dùng chiến lược giá rẻ. Theo ông Hải, ngày xưa thị trường chưa bão hòa, giá cước di động còn rất cao, bằng chiến lược giá rẻ, Viettel đã thành công. Nhưng ở thời điểm này, khi thị trường đã bão hòa, chiến lược cạnh tranh của VinaPhone phải khác biệt, chứ không chỉ cạnh tranh bằng giá cước. Ngoài giá cước rẻ như là yếu tố đầu tiên hút khách, muốn cạnh tranh với Viettel thì VinaPhone phải có vùng phủ sóng rộng, chất lượng sóng tốt, dịch vụ đa dạng, tiện ích, công nghệ tiên tiến, tích hợp...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone cũng nhìn nhận, rời danh sách doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì MobiFone có cơ hội khi tự chủ hơn trong xây dựng chính sách giá cước, tạo ra lợi thế trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế đó, MobiFone có thách thức khi phải cân đối đảm bảo chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, chứ không phải chỉ tập trung vào việc cạnh tranh về giá cước.