VN-Index điều chỉnh, cơ hội dần lộ diện
Thị trường chứng khoán đang trong những phiên điều chỉnh, có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành, đây chính là lúc thị trường thiết lập nền giá tích lũy mới.
Thị trường phân hóa
Đáo hạn phái sinh tháng 12 vào thứ Năm (21/12) tuần này đã khiến cho VN-Index phần nào rung lắc trong phiên đầu tuần (18/12) và giảm hơn 10 điểm với thanh khoản hơn 14.000 tỷ đồng.
Thị trường đã có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp với điểm đáng chú ý là khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng 15 phiên liên tiếp với thanh khoản bán ròng hôm nay 770 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các phiên giảm điểm với nguyên nhân chính vẫn là lực bán mạnh tới từ khối ngoại khi có 15 phiên bán ròng liên tiếp, lũy kế lên tới 8.951 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Lực bán đó đã tạo ra sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành.
Nhóm Ngân hàng, đặc biệt trong rổ VN30, là nhóm khối ngoại bán nhiều, gãy trend, rơi vào xu hướng giảm. Trong khi đó, nhóm Bất động sản, Chứng khoán vẫn giữ giá và tạo nền.
Lý giải cho hoạt động rút ròng của Quỹ đầu tư trong giai đoạn vừa rồi, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, các quỹ chủ động trong 2 năm, tính từ tháng 3/2022 đến giờ, họ có hiệu suất rất thấp. Trong bối cảnh các quỹ chủ động này đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự so sánh hiệu suất với các thị trường khác nhau.
Khi các quỹ này có hiệu suất âm từ 25-30% hoặc hơn thế, thì nhà đầu tư sẽ muốn rút riền ra khỏi quỹ đó và những quỹ hàng tỷ USD muốn rút cũng phải cần có thời gian khoảng một đến hai quý để tất toán các khoản đầu tư. Và tháng 12 này là tháng cuối cùng để ra quyết định tất toán nên cường độ bán rất mạnh.
Với việc khối ngoại rút ròng liên tiếp, thị trường hiện tại đã có 4 phiên phân phối (phiên giảm điểm với thanh khoản lớn hơn ngày hôm trước) nên cũng cho thấy thị trường khả năng sẽ về test lại vùng hỗ trợ 1.075 điểm (phiên xác nhận thị trường phục hồi ngày 8/11). Sự bán ròng từ khối ngoại tạo tâm lý lo lắng ít nhiều. Tuy nhiên, xu hướng thị trường Sideway là chính nên sẽ không rơi quá mạnh.
Việc chờ mua gia tăng và chiếm đa số trở lại đây sẽ kỳ vọng thị trường có nhịp phục hồi nhiều hơn sau 4 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 71/368 mã có tín hiệu chờ mua nên chờ mua cũng phải quá lớn thời điểm hiện tại.
Nếu chỉ xét riêng chỉ báo này, thường chờ mua cao hơn mức 100 thì sẽ kỳ vọng thị trường sẽ tích cực nhiều hơn và nhịp phục hồi sẽ tốt hơn. Ngoài ra, khối ngoại còn đâu đó khoảng 5.000 tỷ đồng tiền hàng và khi hấp thụ hết khối lượng hàng này sẽ xuất hiện một sóng uptrend mạnh dự kiến cuối 2023 và đầu 2024.
Các thông tin trọng yếu hỗ trợ thị trường
Giá cổ phiếu biến động hẹp có thể khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hơn, tuy nhiên, bản chất của thị trường nói chung, cổ phiếu nói riêng, điều chỉnh không hẳn là xấu mà là cơ hội cho cổ phiếu tích lũy để tiếp tục hành trình mới.
Nếu cổ phiếu thực sự đang ở giữa xu hướng tăng giá dài hạn, xu hướng sẽ nhanh chóng được khôi phục lại sau đợt điều chỉnh. Các đợt tạm dừng ngắn hạn cho phép cổ phiếu tiêu hóa đợt tăng giá trước đó, nhằm có đủ năng lượng để thiết lập xu hướng mới sau khi tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá.
VN-Index đang xây dựng một nền giá tích lũy cho giai đoạn tăng trong trung hạn kế tiếp, với biên độ thị trường là 1.073 – 1.134 điểm, có những thông tin trọng yếu hỗ trợ thị trường như tỷ giá hạ nhiệt, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, mua kết quả kinh doanh quý IV/2023…
Tỷ giá tăng mạnh vốn là yếu tố tác động chính đến nhịp chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong tháng 11/2023, tỷ giá USD/VND đã giảm 1,2% so với tháng 10.
Về các chính sách hỗ trợ, chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và đẩy mạnh đầu tư công cho động lực tăng trưởng. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua việc kéo dài gói cắt giảm thuế giá trị gia tăng đến 30/6/2024.
Bên cạnh đó, giá trị giải ngân đầu tư công đang bước vào giai đoạn nước rút, với mục tiêu đặt ra là quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao. Tháng 11/2023 ghi nhận là tháng cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Uớc giải ngân vốn đầu tư công tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 là gần 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch. So với cùng kỳ, mức giải ngân 11 tháng năm nay cao hơn 6,77% về tỷ lệ và cao hơn khoảng 123.000 tỷ đồng về số tuyệt đối.
Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong tháng 11 và đầu tháng 12. Lãi suất trên thị trường 2 giảm mạnh về mức tương đương năm 2021 trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu từ nửa cuối tháng 11 khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt.
Lãi suất càng về mức thấp khiến lợi suất đầu tư trên thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn, đặc biệt với mức định giá P/E 11,5 lần dựa trên triển vọng một năm tới (tương đương lợi suất 8,6% so với lãi suất huy động 5,3% đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần).
Theo SSI Research, dựa trên nền so sánh thấp của quý IV năm ngoái, mức tăng trưởng dương từ kết quả kinh doanh quý IV/2023 sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn tới tâm lý nhà đầu tư, là tín hiệu hồi phục tích cực cho thị trường trong giai đoạn tới.