Vốn có nhưng tiến độ chậm
Theo tờ trình của Bộ Giao thông - Vận tải gửi Thủ tướng về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 thì tổng mức đầu tư giai đoạn này là khoảng 118.672 tỷ đồng.
Cụ thể, mức đầu tư 9 dự án thành phần theo phương thức PPP khoảng 114.088 tỷ đồng; mức đầu tư 3 dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư các đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ khoảng 4.584 tỷ đồng.
Nguồn vốn nhà nước khoảng 61.628 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 57.044 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 8.557 tỷ đồng, vốn vay khoảng 48.487 tỷ đồng...
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến tháng 7/2021 đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư trong số 2.063km thuộc quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau.
Về tổng thể, việc đầu tư xây dựng cao tốc này là rất cần thiết vì khi hoàn thành sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu vầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, giúp giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, nhất là Quốc lộ 1 không thể khắc phục.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ giúp kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, với các công trình hiện đại có sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông đường bộ là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Bởi vậy, trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã nhấn mạnh mục tiêu đặt ra đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia, hoàn thành sớm ngày nào tốt ngày đó cho nền kinh tế.
Vậy nhưng, để thực hiện được cần giải quyết nghịch lý nguồn vốn có nhưng tiến độ lại chậm bởi những vướng mắc như công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của các dự án chậm, tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp...
Cần khuyến khích các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn. Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm của các địa phương, các ban quản lý dự án... Có như vậy mới bảo đảm được tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất chia dự án thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Theo đó, 9 dự án thành phần với tổng chiều dài 552km sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 114.088 tỷ đồng, trong đó, phần vốn nhà nước tham gia chiêm 50% khoảng 57.044 tỷ đồng, còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.
3 dự án thành phần có chiều dài khoảng 177km, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành các dự án độc lập. Các dự án này sẽ sử dụng vốn ngân sách nhà nước với chi phí khoảng 4.584 tỷ đồng để tiến hành đồng thời công tác giải phóng mặt bằng với 9 dự án PPP.