Vốn FDI chất lượng cao đang dịch chuyển đến Việt Nam


Sự hiện diện của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục ổn định, nhất là sau khi Chính phủ khuyến khích thu hút đầu tư năng lượng xanh, công nghệ cao…

Các nhà máy sản xuất của Apple đang gia tăng hiện diện tại Việt Nam.
Các nhà máy sản xuất của Apple đang gia tăng hiện diện tại Việt Nam.

Chia sẻ về triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam, bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Trong suốt thời gian dài vừa qua, Việt Nam được công nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Ngay trong thời kỳ phòng chống dịch COVID - 19, sản xuất công nghiệp được duy trì và đảm bảo hàng hoá xuất khẩu. Khi điều kiện thay đổi, theo bà Dorsati Madani, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn dành sự quan tâm và đưa tiền đến Việt Nam đầu tư chính là nhờ sự quyết tâm của Chính phủ, môi trường kinh tế chính trị ổn định so với các nền kinh tế khác.

Việt Nam cũng là nền kinh tế mở, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hoá chất lượng cao. Điều này tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư tiềm năng. Vì vậy, sự hiện diện của vốn FDI tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định.

Tại diễn đàn về thu hút dòng vốn đầu tư mới vừa được tổ chức, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng nhiều chuyên gia, CEO các tập đoàn lớn đã đề cập làm rõ hơn những xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI trên toàn cầu mang lại cơ hội mới cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo ông Đỗ Văn Sử, một trong những xu hướng nổi bật là sự dịch chuyển dòng vốn FDI xuất phát từ chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia để không muốn “bỏ trứng vào một giỏ”, hướng đến chia sẻ rủi ro. Chiến lược Trung Quốc + 1 có 3 làn sóng, khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như việc một số quốc gia xuất khẩu nguồn vốn lớn tái định vị điển hình là Mỹ và chính sách này tác động đến các nhà đầu tư tìm cách tận dụng cơ hội. Xung đột Nga - Ukraine cũng khiến cho các nhà đầu tư tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á nổi lên như một bệ đỡ trong sự đứt gãy hoặc giãn đoạn chuỗi cung ứng, trong đó Việt Nam được quan tâm nhất.

Nhìn trên bản đồ đầu tư và số liệu thống kê, trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Trong đó, hơn 60% số vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ cũng đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp mới đây đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư và xem Việt Nam như một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip.

Phát triển năng lượng sạch, các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những định hướng quan trọng trong Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thực hiện chiến lược trên, nhất là sau  khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Kéo theo đó, nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng muốn đầu tư sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo.

Theo Hạnh Lê/Diendandoanhnghiep.vn