Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi sau đại dịch

Bảo Thương

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2022, tổng doanh thu theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là 8.166 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2021), hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi sau dịch COVID-19.

Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dần phục hồi sau đại dịch, doanh thu tăng và đã giảm lỗ so với năm trước.
Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dần phục hồi sau đại dịch, doanh thu tăng và đã giảm lỗ so với năm trước.

Doanh thu tăng so với năm 2021

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 8829/BTC-TCDN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2022, tổng doanh thu của toàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là 8.166 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi sau đại dịch nhưng năm 2022, Tổng công ty vẫn bị lỗ 90 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với Công ty mẹ, tổng doanh thu năm 2022 là 5.520 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là 1.997 tỷ đồng (tăng 58% so với năm 2021). Tuy nhiên, số doanh thu này không đủ bù đắp chi phí nên kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Công ty mẹ tiếp tục bị lỗ 152 tỷ đồng.

Riêng về vốn chủ sở hữu và bảo toàn vốn, Công ty mẹ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ giai đoạn năm 2017-2019 từ 2.286 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng, nhưng vốn thực góp tại thời điểm ngày 31/12/2022 chỉ là 3.105 tỷ đồng, như vậy Công ty mẹ chưa được bổ sung đủ vốn điều lệ theo phê duyệt.

Trong những năm vừa qua, do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ bị lỗ dẫn tới số lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 1.995 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.147 tỷ đồng. Như vậy, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chưa bảo toàn vốn nhà nước tại Tổng công ty.

Đối với các công ty con, doanh thu năm 2022 của 20 công ty thuộc khối bảo trì đường sắt là 3.630 tỷ đồng, lợi nhuận là 76,68 tỷ đồng. Còn với khối vận tải đường sắt, do hạ tầng đường đường sắt lạc hậu, khai thác hạ tầng đường sắt chưa tốt dẫn đến khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt kém so với các loại hình vận tải khác (hàng không, đường bộ, đường biển). Chính vì vậy, dù doanh thu vận tải đường sắt năm 2022 đã có sự phục hồi, tăng 60% so với năm 2021 (3.868 tỷ đồng/2.441 tỷ đồng), lãi 6,2 tỷ đồng (năm 2021 lỗ 261 tỷ đồng) nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên vẫn có 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Đối với khối sản xuất công nghiệp cơ khí đường sắt, doanh thu của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm đều có doanh thu trong năm 2022 lần lượt là 46,46 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2021) và 31,6 tỷ đồng (tương đương với năm 2021).

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở báo cáo tài chính (hợp nhất và Công ty mẹ), qua thông tin liên quan đến doanh số có thể thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty con đã dần phục hồi sau dịch COVID-19, doanh thu tăng và đã giảm lỗ so với năm trước.

Tuy nhiên, tình hình tài chính và kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số lỗ lũy kế của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số công ty con còn rất lớn, vì vậy năm 2023 và các năm tiếp theo Tổng công ty cần có giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, cải thiện dòng tiền và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Chủ động đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn về giá dịch vụ và kinh phí quản lý

 Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm doanh thu năm 2022 là 31,6 tỷ đồng (tương đương năm 2021).
 Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm doanh thu năm 2022 là 31,6 tỷ đồng (tương đương năm 2021).

Tại Công văn số 8829/BTC-TCDN, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; khẩn trương gửi báo cáo giám sát tài chính năm 2022 đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

 

Ngày 10/8/2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Tờ trình số 1648/TTr-UBQLV trình Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025. Theo đề án, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một; giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%...

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền: phê duyệt Chiến lược phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2035; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Đối với Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Tài chính đề nghị phải xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án xử lý đối với các đường ngang hoặc các công trình do các địa phương hoặc các chủ đầu tư xây dựng mới nhưng đề nghị chuyển sang Bộ Giao thông vận tải quản lý, tránh trường hợp các công ty cổ phần bảo trì đường sắt thực hiện quản lý, bảo trì các công trình này để đảm bảo an toàn chạy tàu nhưng không thu được tiền từ các chủ đầu tư hoặc không được dự toán ngân sách cấp kinh phí thực hiện quản lý, bảo trì.

Đặc biệt, cần xác định, làm rõ chủ thể khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt các định mức kinh tế kỹ thuật để nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Riêng về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị phải chủ động rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đường sắt năm 2017 cũng như Nghị định số 46/2018/NĐ-CP của Chính phủ để đề xuất cụ thể những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, rà soát khó khăn trong quá trình thực hiện phương án giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và báo cáo cơ quan có thẩm quyền phương án xử lý.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thu hồi các khoản Công ty mẹ cho vay, các khoản công nợ và cổ tức được chia để không bị chiếm dụng vốn, tiền, tài sản của Tổng công ty. Tổng công ty phải chỉ đạo người đại diện vốn của Tổng công ty tại các công ty con bảo trì đường sắt phân tích, làm rõ nguyên nhân những công ty có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn và có biện pháp cơ cấu lại các nguồn vốn để giảm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đảm bảo không vượt quá 3 lần, giảm rủi ro về mặt tài chính; có ý kiến về tỷ lệ chia cổ tức, quy mô vốn điều lệ, việc trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ phát triển khoa học và công nghệ… để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và các cổ đông (bao gồm Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).