Vốn FDI giảm: Chưa đáng ngại
(Tài chính) Không nhất thiết phải thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi cách mà quan trọng là hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư
Kết quả khảo sát 1.600 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ vừa thực hiện cho thấy các đơn vị này cân nhắc và dè dặt hơn trong quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh.
Giảm gần 50%
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI cấp mới và đăng ký tăng thêm trong quý I/2013 là 3,334 tỉ USD, bằng 50,4% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân giảm được xác định là 3 tháng đầu năm nay không có những dự án FDI lớn (quý I/2013 có một số dự án lớn như dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tổng vốn 2 tỉ USD, dự án của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỉ USD...). Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất; kế đến là kinh doanh bất động sản, xây dựng. Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là 2 quốc gia dẫn đầu danh sách đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, không nên quá lo lắng về việc vốn FDI sụt giảm. Con số vốn FDI cam kết không quan trọng bằng con số thực hiện. Mặc dù vốn đăng ký mới giảm mạnh nhưng trong quý I, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 2,85 tỉ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá. “Không nên quá lo lắng về những con số báo cáo mà cần theo dõi, phân tích thêm. Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động trẻ dồi dào, lao động giá rẻ hơn Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng ngược lại, tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao, chi phí hạ tầng cao, tham nhũng... làm nhà đầu tư ngần ngại. Chúng ta cần nghiêm túc điều chỉnh những hạn chế này, hy vọng thời gian tới sẽ cải thiện” - TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương, cho biết.
Cần chọn lọc dự án
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong thì cho rằng Việt Nam đang có những bước cải thiện khá tốt các vấn đề mà nhà đầu tư ngoại ngán ngại. Trong việc thu hút đầu tư, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố mà DN quyết định đầu tư vào thị trường nào hoặc dịch chuyển đầu tư và tùy vào mối quan hệ giữa nhà đầu tư với nước chủ nhà, cạnh tranh ngành nghề... Vì vậy, không thể coi việc một số nước trong khu vực có lợi thế hơn Việt Nam về giá đất, chi phí lao động... là tín hiệu buồn mà từ thực tế đó, cần nghiêm túc điều chỉnh, cải thiện. Hiện Việt Nam vẫn duy trì chính sách thu hút đầu tư.
Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, không nhất thiết phải thu hút đầu tư FDI bằng mọi cách mà quan trọng là hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư FDI. Chẳng hạn, giảm bớt lĩnh vực ưu đãi đầu tư, tập trung ưu đãi cho những lĩnh vực Việt Nam đang cần và thiếu như công nghệ cao.
Đồng quan điểm, GS., TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho rằng vấn đề vốn đăng ký chưa có gì đáng lo ngại. Kết thúc quý I, Việt Nam vẫn duy trì được những thế mạnh trước nay như ổn định chính trị, an ninh và có những điểm mới: tăng trưởng khá hơn quý I/2013, lạm phát giảm, lãi suất giảm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, xuất khẩu tăng, các chỉ số công nghiệp tăng...
“Thu hút FDI năm nay sẽ khá hơn năm 2013 nhiều. Trong đó, vốn thực hiện sẽ ở mức 12-13 tỉ USD, tăng 10%; vốn đăng ký sẽ vượt mức 22 - 23 tỉ USD. Ngoài ra, sự thay đổi lớn nhất trong đầu tư FDI từ năm 2012 đến nay là các tập đoàn lớn như Samsung, Nokia và một số tập đoàn của Nhật Bản, Mỹ cam kết đầu tư lớn vào Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến quy mô dự án: Ưu tiên cho những dự án lớn, tầm cỡ, các dự án đầu tư lĩnh vực công nghệ cao và tăng hiệu quả đầu tư. Ba tháng đầu năm, có quá nhiều dự án đầu tư quy mô nhỏ, vốn trên dưới 1 triệu USD. Chúng tôi đang nhờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại cụ thể cơ cấu các dự án này thuộc ngành nghề nào, địa phương nào...” - GS., TS. Nguyễn Mại nói.
Vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh tăng 97,26%
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA), tính đến ngày 25/3, tổng vốn đầu tư vào các Khu chế xuất - Khu công nghiệp đạt 227,45 triệu USD, tăng 92,65% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, đầu tư nước ngoài đạt 243,54 triệu USD, tăng 97,26%. Có 12 dự án được cấp mới, 9 dự án tăng vốn, suất đầu tư bình quân đối với dự án FDI cấp mới là 18,6 triệu USD/dự án. Cũng trong quý I, HEPZA đã tiếp 10 nhà đầu tư từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... đến tìm hiểu về chính sách, môi trường đầu tư tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thành phố.