Vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Doanh nghiệp vay vốn dài hạn từ ngân hàng chịu chi phí cao, còn ngân hàng lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì mất cân đối nguồn vốn.

Nhu cầu vốn trung dài hạn vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nguồn: Internet
Nhu cầu vốn trung dài hạn vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nguồn: Internet

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế – xã hội của Quốc hội sáng 22/5, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng huy động nguồn lực phát triển kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng. Đây là gánh nặng lớn cho ngành ngân hàng vì mất cân đối nguồn vốn, còn doanh nghiệp (DN) do phải chịu chi phí cao thì rủi ro cao.

Tỷ lệ vẫn ở mức cao

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ đầu năm 2019 từ 45% xuống còn 40%.

Tại đại hội cổ đông mới đây, một số ngân hàng cũng công bố tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đến cuối năm 2018 ở mức dưới 40%, bao gồm: Nam A Bank, SCB, BIDV, HDBank, ACB, Kienlong Bank, MB, Sacombank, OCB, Bac A Bank…

Tuy nhiên, khảo sát tại 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2019 cho thấy, tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn vẫn còn ở mức cao, chiếm 54,68%, so với cuối năm 2018 chỉ giảm 1,6%.

Tính đến hết quý I, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong cơ cấu tổng dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn rất nhiều so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Đứng đầu nhóm khảo sát là VIB đang có hơn 85,4 nghìn tỷ đồng cho vay trung và dài hạn trong tổng số 101,9 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay. Theo đó, tỷ lệ vốn cho vay trung vài dài hạn/ tổng cho vay của VIB lên tới 83,81%.

Tiếp đến là TPBank và Seabank là 75%; OCB, LienVietPostBank, VPBank, Techcombank: trên 60%.

SHB cũng là ngân hàng có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong cơ cấu tổng dư nợ khá cao, chiếm đến 59%, chỉ xếp sau Techcombank.

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn/tổng dư nợ thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của nhóm khảo sát như Vietcombank chỉ chiếm 45% tổng dư nợ, VietinBank là 44,13% và BIDV là 37,41%.

Hầu hết các ngân hàng này đều đưa ra kế hoạch trong năm 2019 sẽ tăng vốn điều lệ và tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí thấp, hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.

Không dám mạo hiểm

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu vốn trung, dài hạn cho DN để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, trong khi thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết theo thông lệ quốc tế, nguồn vốn cho nền kinh tế chia làm hai nguồn: vốn ngắn hạn là vai trò của ngân hàng, vốn trung và dài hạn sẽ được cung cấp từ thị trường tài chính, chứng khoán. Chỉ như vậy mới giảm chi phí đầu vào, giảm gánh nặng cho ngành ngân hàng và cả DN.

Ví dụ, khi DN huy động vốn qua thị trường chứng khoán, người góp vốn sẽ được hưởng cổ tức, trong khi nếu vay ngân hàng thì DN phải trả chi phí. "DN vay ngân hàng chịu chi phí cao thì rủi ro. Còn ngân hàng lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì mất cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, bất cứ khi nào nền kinh tế đi xuống thì toàn ngành ngân hàng cũng rủi ro", ông Thắng phân tích.

Do đó, ông Thắng cho rằng hiện nay, quy mô tăng trưởng của nền kinh tế đang ở mức cao nên nguồn vốn cần phải xử lý minh bạch để hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, an toàn hơn.

Trong khi đó, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.HCM) khẳng định, chất lượng trong sử dụng vốn ngày càng được nâng cao và hiệu quả. Ngoài ra, đã cơ cấu khá thành công thị trường tài chính, tức là đã nâng cao thêm một phần vai trò của thị trường vốn, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng lên.

Hiện, vốn hóa của thị trường chứng khoán đã lên đến trên 70% GDP, do đó sẽ chia sẻ bớt một phần cung ứng vốn trung, dài hạn từ ngân hàng thương mại đến nền kinh tế.

"Thị trường chứng khoán đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế; công tác tái cơ cấu thị trường đã được triển khai quyết liệt theo Đề án đã được phê duyệt", ông Ngân nói.

Ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng các ngân hàng vẫn muốn cho vay kỳ hạn dài vì có được lãi biên cao hơn, từ đó củng cố lợi nhuận chung.

Tuy nhiên, với quy định ngày càng siết chặt của cơ quan quản lý, cùng với những rủi ro đã xảy ra sẽ là cảnh báo cho các nhà băng. "Các ngân hàng sẽ không dám "xé rào" bởi NHNN sẽ "tuýt còi" và không ngân hàng nào muốn mạo hiểm thấy rủi ro mà vẫn lao vào", một chuyên gia nhận xét.