Vốn ngoại vào địa ốc TP. Hồ Chí Minh: Nhiều dự án “tọa lạc” trên giấy
Hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực bất động sản TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua, nhưng đến nay, hầu hết các dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Vốn ngoại chảy mạnh
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, 4 tháng đầu năm 2019, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TP. Hồ Chí Minh thu hút được 2,37 tỷ USD, tăng 46,1% so với cùng kỳ.
Về các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có 363 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký 351,66 triệu USD, tăng 18,6% về số dự án cấp mới và bằng 88% số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 7 dự án do Ban Quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố cấp, 1 dự án do Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố cấp và 355 dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.
Về lĩnh vực, hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất, chiếm 46,8% vốn đăng ký mới, chủ yếu đến từ British Virgin Islands - Anh (chiếm 43,5% vốn đăng ký trong lĩnh vực bất động sản), Hàn Quốc (19,5%), Nhật Bản (10%), Singapore (5,7%), Hồng Kông - Trung Quốc (3,4%).
Cũng trong 4 tháng, TP. Hồ Chí Minh chấp thuận cho 1.320 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 1,83 tỷ USD, tăng 30,6% về số trường hợp và tăng 63,2% về vốn đầu tư. Hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục là ngành có vốn đăng ký đầu tư nhiều nhất, chiếm 24% tổng vốn theo hình thức này
Trước đó, theo số liệu của của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư cả nước.
Còn năm 2018, số liệu được UBND TP. Hồ Chí Minh đưa ra cho biết, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 7,39 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2017. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký nhiều nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, con sóng vốn ngoại đổ bộ vào bất động sản TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 8/5 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, có 29 dự án liên quan tới bất động sản mời gọi nhà đầu tư bằng hình thức vốn FDI và hình thức khác.
Các dự án này gồm: Dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng chung cư cao tầng cuối đường Tạ Quang Bửu, phường 6, quận 8, tổng vốn đầu tư 1.018 tỷ đồng/46 triệu USD; Dự án Chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở, chung cư cao tầng khu Xăng thổi, phường 1, quận 8, tổng vốn đầu tư 7.038 tỷ đồng/320 triệu USD; Dự án Chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở, chung cư cao tầng khu đầu tư cầu chữ Y, phường 8, quận 8, tổng vốn đầu tư 6.021 tỷ đồng/274 triệu USD; Dự án Xây dựng chung cư lô IV-VI Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, tổng vốn đầu tư 2.069 tỷ đồng/94 triệu USD; Dự án Xây dựng khu tái định cư và kinh doanh xây dựng chung cư cao tầng ở khu dân cư phía Nam đường Vành đai số 2, phường 7, quận 8, tổng vốn đầu tư 1.505 tỷ đồng/68 triệu USD; Dự án Tái định cư cụm 8 chung cư Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận 8…
Nỗi lo các dự án "tọa lạc" trên giấy
Dù lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản TP. Hồ Chí Minh các năm qua rất lớn, lên tới hàng tỷ USD, nhưng đến nay, các dự án đa phần vẫn còn nằm trên giấy. Đơn cử, từ đầu năm 2019 tới nay, chưa có dự án bất động sản có vốn ngoại nào xuất hiện trên thị trường TP. Hồ Chí Minh.
Những năm trước đó, dù có những dự án bất động sản nhận vốn FDI khủng, như Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng được TP. Hồ Chí Minh chỉ định nhà đầu tư cho liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (UAE) năm 2015. Thế nhưng sau đó, doanh nghiệp ngoại đã rút lui khỏi dự án này và đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Hay tháng 4/2018, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc thông báo rót vốn vào một dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 với số vốn lên tới 2,2 tỷ USD và dự kiến triển khai xây dựng dự án ngày 2/9/2018. Tuy nhiên đến nay, dự án tỷ đô này vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa hề được thực hiện.
Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản khác tại TP. Hồ Chí Minh có vốn ngoại như Mũi Đèn Đỏ, quận 7, hay một số dự án tại Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm… nhưng tới nay đều chưa được triển khai.
Ngay cả Dự án Empire City, quận 2 của Keppel Land Việt Nam được TP. Hồ Chí Minh chấp nhận chủ trương đầu tư từ hơn 5 năm trước, nhưng tới nay mới có thể thực hiện xây dựng.
Trong khi đó, tại cuộc họp tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và kế hoạch tháng 5 đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận, nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn tại TP. Hồ Chí Minh nhiều năm vẫn chưa triển khai.
Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng khiến siêu dự án Thanh Đa sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy. Ảnh: Gia Huy
Việc nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng nhiều năm không triển khai đã làm cho kinh tế TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài quỹ đất bị bỏ hoang gây lãng phí, việc doanh nghiệp đăng ký vốn, nhưng không triển khai dẫn tới số liệu vốn ảo…
Tuy nhiên, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp để dự án nằm trên giấy nhiều năm trời đến từ nhiều lý do. Chẳng hạn, việc đền bù giải tỏa của TP. Hồ Chí Minh hiện nay là vấn đề rất khó của doanh nghiệp, bởi họ chật vật trong việc phải tự đền bù giải tỏa đất để triển khai dự án.
Trên thực tế, có nhiều dự án doanh nghiệp không thể triển khai vì vướng đền bù và phải “bỏ của chạy lấy người”, như Dự án Khu đô thị Thanh Đa của Emaar Properties PJSC.
Tại dự án này, khi nhà đầu tư đến từ UAE rút lui, TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp khác đấu thầu xây dựng dự án, nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoại đặt câu hỏi: Nếu họ tham gia phát triển dự án thì TP. Hồ Chí Minh cam kết trong thời gian bao lâu sẽ giúp họ thực hiện đền bù giải tỏa để có mặt bằng phát triển dự án? Tuy nhiên, câu hỏi này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, rất khó trả lời.
Ngoài ra, các vấn đề về thủ tục đầu tư xây dựng, phát triển dự án… đang bị tắc ở nhiều khâu khiến các doanh nghiệp khó có thể thực hiện dự án sớm.