Vòng xoáy nợ công: Giới hạn an toàn

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng tỷ lệ nợ/GDP không thể phản ánh toàn diện độ an toàn của tình hình nợ công một nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nợ công đang tăng lên mức nguy hiểm ở Việt Nam và nhiều nước khác. Ước tính đến cuối năm 2015, nợ công nước ta sẽ ở mức 64% GDP, sắp chạm trần (65%). Trong khi đó, báo cáo Geneva của Trung tâm Nghiên cứu tiền tệ và ngân hàng quốc tế (ICMB), cho biết nợ công toàn thế giới không giảm bớt sau cuộc khủng hoảng, trái lại đang tăng và có nguy cơ tạo thành một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Làm thế nào để tránh một cuộc khủng hoảng nợ công?

Nhiều người tin rằng nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn vì tỷ lệ nợ/GDP còn kém xa một số nước. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà kinh tế tin rằng tỷ lệ nợ/GDP không thể phản ánh toàn diện độ an toàn của tình hình nợ công một nước.

Bao nhiêu là quá nhiều?

Trong thực tế, nợ công cao có thể tác động xấu đến nền kinh tế về nhiều mặt. Thứ nhất, để trả nợ nhiều hơn, các chính phủ sẽ tăng thuế cao hơn, đi kèm đó là cắt giảm chi tiêu và dĩ nhiên sẽ kiềm chế tăng trưởng. Thứ hai, các hiệu ứng méo mó của việc thực thi nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng lên cùng mức nợ. Lãi suất thực tế cần trả có thể cao hơn, tức tỷ lệ thiệt hại đến nguồn thu của nền kinh tế sẽ cao hơn.

Thứ ba, mức nợ công cao, không bền vững có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công nếu các thị trường tài chính tin rằng cam kết trả nợ của chính phủ không còn đáng tin cậy. Để phát hiện sớm và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai, cần phải biết được mức nợ công bao nhiêu là quá nhiều. Trong Hiệp ước Maastricht năm 1992, tiền đề dẫn đến việc tạo ra đồng EUR, các chính phủ châu Âu đặt một ngưỡng nợ tối đa cho các nước muốn gia nhập đồng tiền chung là 60% GDP.

Tuy nhiên, mức trần này không phản ánh được hết những đòi hỏi về an toàn, bởi đến nay nhiều thành viên của Eurozone đều có tỷ lệ nợ/GDP rất cao và vượt hẳn ngưỡng này. Đơn cử như Italia (133,1%), Pháp (94,8%), Đức (78,1%)...

Năm 2010, các nhà kinh tế Hoa Kỳ là Carmen M. Reinhart và Kenneth S. Rogoff cho rằng ngưỡng nợ công bắt đầu gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế là 90% GDP. Theo họ, khi nợ công của một quốc gia bắt đầu lớn hơn 90%, tăng trưởng trung bình sẽ giảm đi 1%.

Reinhart và Rogoff cũng nói rằng khi mức nợ công vẫn còn thấp hơn ngưỡng này sẽ không tìm được mối quan hệ rõ nét giữa nợ công với tốc độ tăng trưởng kinh tế thực. Hai nhà phân tích này cũng chỉ ra tại các quốc gia mới nổi, mức nợ công cao hơn thường đi kèm với tỷ lệ lạm phát cao hơn đáng kể. Tuy nghiên cứu của Reinhart và Rogoff khá ấn tượng nhưng đối với nhiều người nó chưa đủ sức thuyết phục.

Giáo sư kinh tế Robert Shiller và Paul Krugman đã chỉ ra Reinhart và Rogoff chưa giải thích được bằng cách nào nợ công lại kiềm hãm tăng trưởng. Có thể có các nhân tố khác tác động đến nợ công, đặc biệt khi tỷ lệ nợ công/GDP thường tăng lên mức cao nhất ngay sau các cuộc khủng hoảng tài chính hay chiến tranh.

Những nhân tố quyết định

Thực tế cho thấy nhiều nước trên thế giới có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhưng vẫn không rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, điển hình như Nhật Bản (242,3%), Hoa Kỳ (107,3%), Singapore (106,2%), Anh (95,3%),...

Những nước này có mức nợ công/GDP rất cao nhưng đến nay vẫn được đánh giá an toàn, trong khi những nước như Argentina nợ công chỉ 45,9% nhưng lại vỡ nợ. Điều gì tạo ra mâu thuẫn này? 

Các nhà chuyên môn đã đưa ra một số yếu tố lý giải vì sao Nhật Bản dù có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn: Cán cân thanh toán quốc tế mạnh và dự trữ ngoại hối hơn 1.000 tỷ USD và là nước chủ nợ lớn nhất thế giới (tính đến tháng 5-2011), khi sở hữu 3.300 tỷ USD tài sản nước ngoài; hệ số sử dụng vốn đầu tư ICOR của Nhật Bản rất hiệu quả (3.0); đa phần trái phiếu chính phủ Nhật Bản được các nhà đầu tư trong nước nắm giữ (95%), do đó ít phụ thuộc vào giới đầu tư trái phiếu quốc tế, giữ được thị trường trái phiếu bình ổn.

Như vậy, cơ sở đánh giá nợ công an toàn không phản ánh toàn diện qua tỷ lệ nợ công/GDP mà còn thể hiện qua nhiều yếu tố khác.

Theo Hiệp hội Chỉ số Quốc tế (IBA), nợ công sẽ bị đánh giá không bền vững nếu tỷ lệ nợ/GDP được dự báo sẽ tăng trưởng không giới hạn nếu các chính sách hiện có không thay đổi. IBA cho rằng dù tỷ lệ nợ/GDP cao đến bao nhiêu, nhưng nếu quốc gia đó có thể tự tạo ra thặng dư, tức tổng thu trừ đi tổng chi (bao gồm cả chi phí thực thi nghĩa vụ nợ) là số dương sẽ không phải lo lắng về khủng hoảng nợ công. Tổng thu ngân sách và mức lãi suất vay mượn sẽ quyết định tỷ lệ nợ/GDP ở mức nào là an toàn.

Vì vậy, các nước sẽ có những ngưỡng an toàn khác nhau về tỷ lệ nợ công/GDP. Bởi niềm tin là yếu tố quan trọng trong việc gây ra cuộc khủng hoảng nợ, nên uy tín của một quốc gia có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, phải tính đến chi phí vay mượn. Mỗi quốc gia có chi phí vay mượn khác nhau, xuất phát từ niềm tin của giới đầu tư quốc tế đối với quốc gia đó.

Có 2 yếu tố quyết định chi phí đi vay: lãi suất phải trả của trái phiếu chính phủ và các khoản vay khu vực công; thời hạn nợ vay - các chính phủ vay vốn ngắn hạn dễ bị tổn thương hơn. Ai nắm giữ các khoản nợ cũng là một yếu tố quan trọng. Chẳng hạn, nợ công của Nhật Bản được đánh giá an toàn vì có tới 95% chủ nợ là người trong nước. Trong khi đó, Hy Lạp nhanh chóng chìm vào khủng hoảng nợ công vì có tới 70% chủ nợ là người nước ngoài. Tỷ lệ này ở nước ta tính đến năm 2013 là 50/50, tức 50% nợ nước ngoài và 50% nợ trong nước.

Ngoài ra, khái niệm nợ công mà các nhà kinh tế nước ngoài thường nói đến bao gồm nợ chính phủ và tất cả những khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh (theo Ngân hàng Thế giới); hoặc tất cả nghĩa vụ trả nợ của khu vực công như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước... (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế).

Nếu căn cứ theo những cách tính này, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam lên tới 100% GDP. Ngoài ra, nghiên cứu của Công ty TVS cho biết nợ công Việt Nam đang tồn tại những yếu tố nguy hiểm: bội chi tăng nhanh (trung bình 14%/năm trong giai đoạn 2009-2014 và cao hơn tăng trưởng GDP). Đáng lưu ý, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ có xu hướng tăng lên trên mức 25% tổng thu ngân sách (dự kiến 26,7% năm 2014 và 31% năm 2015).