“Vũ khí” nào được Ngân hàng Nhà nước sử dụng để điều hành tỷ giá 2017?
Bất chấp sự biến động của thị trường thế giới, tỷ giá trong nước năm 2016 chỉ tăng 1,2%, năm nay, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ đối mặt với thách thức vô cùng lớn trong điều hành tỷ giá bởi có quá nhiều yếu tố bất định đang chờ.
Năm qua, thị trường ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn định, dù Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp nhiều. Sở dĩ tỷ giá trong nước hầu như “miễn dịch” với biến động của thị trường thế giới là do từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước thực hiện công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày.
Động thái đó đã giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Một khi tâm lý găm giữ giảm, USD được mua, bán theo nhu cầu thực, hệ thống ngân hàng đã mua ròng lượng lớn ngoại tệ từ nền kinh tế. Đây cũng là lý do khiến dự trữ ngoại hối năm 2016 đạt mức kỷ lục, trên 41 tỷ USD.
Song vấn đề đặt ra hiện nay là, “vũ khí” tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước có phát huy hiệu lực khi áp lực tỷ giá năm 2017 là rất lớn?
Thực tế, năm 2016, USD trên thế giới biến động mạnh, song mới chỉ là biến động do tâm lý kỳ vọng, bởi những tác động thực tế từ chính sách còn chưa bắt đầu.
Trong khi đó, từ ngày 20/1 tới, tân Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump bắt đầu nhậm chức, kéo theo một loạt chính sách mới sẽ được thực thi và nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất đồng USD 3-4 lần trong năm 2017. Ngoài ra, một loạt sự kiện lớn khác sẽ diễn ra trong năm 2017 như Anh thực hiện quá trình Brexit, bầu cử Tổng thống Pháp...
Tất cả những yếu tố này có thể khiến thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu chao đảo, USD có thể tiếp tục một năm tăng giá sốc.
Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá theo rổ tiền tệ, gồm 8 đồng tiền tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm, song USD vẫn là đồng tiền chủ chốt nhất. Bởi vậy, những diễn biến lớn trên thế giới rất có thể sẽ tác động mạnh đến tỷ giá trong nước.
Nói như vậy để thấy, những yếu tố bất định của tỷ giá năm 2017 là rất lớn và phải cảnh giác dè chừng. Điều đáng mừng là cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây cho thấy, khả năng kỹ trị ngày càng nhuần nhuyễn.
Thứ nhất, tỷ giá trung tâm, tính dựa vào 8 đồng tiền và biến động theo ngày được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tác dụng pha loãng và giảm bớt những chấn động lớn từ thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời giảm bớt tâm lý đầu cơ.
Thứ hai, liệu pháp truyền thông tiếp tục được cơ quan quản lý sử dụng một cách kịp thời và hữu hiệu để tăng niềm tin cho thị trường, giải tỏa tâm lý găm giữ.
Thứ ba, chênh lệch hợp lý giữa lãi suất tiền đồng và USD khiến USD ngày càng kém hấp dẫn.
Thứ tư, công cụ giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn đã được tung ra từ năm 2016, nhưng chưa cần sử dụng, có thể sẽ được sử dụng trong năm nay, nhằm giúp các ngân hàng tự tin đối phó với các dư chấn từ thị trường tài chính quốc tế và nguy cơ tăng giá của đồng USD.
Nhìn từ khía cạnh khác, theo tổng kết của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là một nước “kỳ lạ”, khi biến động tỷ giá nhiều năm qua hầu như không ảnh hưởng tới xuất khẩu. Thêm vào đó, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam là dài hạn. Cung ngoại tệ dồi dào sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước tự tin hơn trong điều hành tỷ giá năm 2017, bình ổn thị trường khi cần thiết.
Một thị trường ngoại hối ổn định sẽ là điều kiện then chốt để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tạo niềm tin với các nhà đầu tư trong năm 2017.