“Vua hầm” Đèo Cả lên kế hoạch lãi vượt 400 tỷ đồng

Huyền Châm

Ngày 31/5, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV) tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 theo hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh đại hội của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả.
Toàn cảnh đại hội của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả.

Tăng vốn điều lệ lên trên 5.800 tỷ đồng

Năm 2024, HHV lên kế hoạch doanh thu thuần ở mức 3.146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 404 tỷ đồng; tăng lần lượt 17% và 11% so với năm 2023.

Công ty dự kiến tiếp tục bổ sung vốn chủ sở hữu vào các dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Hải Vân, Cù Mông) và Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Bên cạnh việc tham gia với vai trò là nhà đầu tư trực tiếp, Công ty cũng sẽ tham gia các dự án cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với vai trò thu xếp vốn thông qua hợp tác kinh doanh, cho vay, hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Công ty sẽ thế chấp tài sản bảo đảm cho các khoản vay của dự án. Với dự án cải tạo Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, để đảm bảo cho khoản vay tại VietinBank tài trợ cho dự án, HHV sẽ thế chấp toàn bộ cổ phần và các quyền, lợi ích phát sinh từ cổ phần CTCP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa do HHV sở hữu và hoàn thiện các thủ tục trong năm 2024.

Đối với Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tùy theo việc đàm phán điều kiện với bên cho vay của dự án, HHV có thể thế chấp toàn bộ cổ phần và các quyền, lợi ích phát sinh từ cổ phần CTCP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do HHV sở hữu để đảm bảo cho khoản vay tài trợ cho việc thực hiện dự án.

Ngoài các dự án đã và đang thực hiện, Công ty sẽ cùng với công ty mẹ là Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác khác tiếp tục tham gia thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

Doanh nghiệp cho biết để đảm bảo nguồn lực triển khai các dự án mới, Công ty dự kiến tiếp tục huy động vốn thông qua các phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, HHV có kế hoạch phát hành tổng cộng gần 170 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.816 tỷ đồng qua ba hình thức chào bán riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu và trả cổ tức năm 2023.

Năm 2024, HHV đề xuất phương án chi trả cổ tức tối đa là 5% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu nhưng đảm bảo không cao hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo riêng của Công ty mẹ.

Chất vấn nợ vay cao

Số liệu cho thấy, tổng dư nợ vay đến cuối quý I/2024 của HHV là 20.099 tỷ đồng, chiếm 53% nguồn vốn, với 19.168 tỷ đồng vay dài hạn và đều là vay từ ngân hàng. Dư nợ của HHV nằm ở chủ yếu ở Ngân hàng VietinBank. Đây là nội dung được cổ đông quan tâm đặt câu hỏi.

Chia sẻ với cổ đông về dư nợ lớn tại các ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT HHV cho biết, về đặc thù của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông hoàn toàn khác các doanh nghiệp sản xuất thông thường. Các dự án hạ tầng giao thông có quy mô đầu tư lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Hùng đề cập, trước khi Luật PPP ra đời, nguồn vốn để tham gia đầu tư chủ yếu là vốn chủ sở hữu, theo quy định là 10-15% còn lại là vốn vay. Sau này khi Luật PPP ra đời thì có sự tham gia của Nhà nước lên tới 50% thì tỷ lệ vốn vay mới điều chỉnh giảm xuống. Trước khi vay, tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều đã thẩm định về tính pháp lý cũng như hiệu quả của phương án tài chính mới thực hiện cho vay. Các khoản vay này có tài sản đảm bảo là quyền thu phí và lịch trả nợ được thực hiện theo dòng tiền thực tế.

“Chúng tôi khẳng định HHV nợ có kế hoạch, nợ ở đây không phải trả bằng tài sản ngắn hạn. Dòng tiền trả nợ không phải đến chủ yếu từ tài sản ngắn hạn mà đến từ dòng tiền tương lai, đến từ doanh thu hình thành nên tài sản, hình thành nên chi phí. Trong giai đoạn COVID-19, chúng ta thực hiện giãn cách xã hội nhưng dòng tiền thu phí của HHV vẫn có sự tăng trưởng. Vì vậy, bao giờ cũng có xe lưu thông trên đường, đi qua các trạm thu phí của Đèo Cả. Dẫn tới việc nợ này không ảnh hưởng tới doanh nghiệp”, Lãnh đạo HHV chia sẻ.

Về boăn khoăn của cổ đông khi thời gian qua một số dự án đầu tư công đã có hiện tượng đấu thầu với giá rất thấp, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT HHV đánh giá, việc bỏ thầu giá thấp xảy ra khi các doanh nghiệp khó khăn về mặt dòng tiền, không có hoạch định cho phát triển hệ thống của mình. Đặc biệt có thể vì lý do nào đó, tính toán về khấu hao máy móc thiết bị, có lực lượng lao động lớn… và cũng có một vài doanh nghiệp đấu thầu bất chấp để có dòng tiền trả nợ với những tính toán "không căn cơ".

“Quan điểm của HHV là doanh nghiệp không chạy theo đấu thầu kiểu đó ở bất kể công trình hay dự án nào. HHV và Tập đoàn Đèo Cả hiện đang đề xuất loạt dự án với quy mô vốn hơn 100.000 tỷ đồng. Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành rà soát lại và sẽ điều chỉnh phù hợp với giá thực và làm thực trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn”, Chủ tịch HHV cho biết.

Nói về khả năng thành công của các đợt chào bán cổ phiếu, Lãnh đạo Công ty cho biết, phát hành cổ phiếu là để cho hoạt động phát triển dự án, nếu phát hành cổ phiếu không thành công thì có thể có phương án hợp tác khác với các doanh nghiệp này.