Vượt 61 triệu đồng/lượng, có nên đầu tư vào vàng?

Theo Hương Dịu/haiquanonline.com.vn

Giá vàng trong nước hiện đã tăng gần mức 61 triệu đồng/lượng, nhưng việc đổ tiền đầu tư vào vàng được khuyến cáo chỉ nên ở mức độ hợp lý.

Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh. Ảnh: H.Dịu
Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh. Ảnh: H.Dịu

Trong phiên giao dịch sáng nay 16/11, giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh vàng tiếp tục dâng cao, lên giao dịch quanh ngưỡng 60,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, so với mức giá hồi đầu năm 2021, giá vàng SJC hiện đã tăng lên 7,5% mỗi lượng ở cả hai chiều mua và bán, tương đương khoảng hơn 5 triệu đồng/lượng. Nhưng đà tăng này vẫn khá ít so với mức tăng hơn 30% trong năm 2020.

Tuy nhiên, giá vàng đang “nhảy múa” rất mạnh trong nửa đầu tháng 11/2021. So với mức giá vào phiên giao dịch ngày đầu tiên tháng 11, giá vàng SJC đã tăng gần 2,5 triệu đồng mỗi lượng. Với mức giá như hiện nay, giá vàng chỉ cách mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay 62,4 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020 khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng.

Điều đáng chú ý là đợt tăng giá này không tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá mua và bán, vẫn được “khống chế” ở dưới ngưỡng 1 triệu đồng/lượng. Hơn nữa, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng mang thương hiệu riêng của các công ty kinh doanh vàng cũng thu hẹp, chỉ khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Nhận xét về diễn biến của giá vàng trong những ngày qua, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, mức chênh lệch giá mua và bán của vàng không quá cao do các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải “phòng thủ” để tránh trường hợp vàng lên nhanh, xuống nhanh dẫn đến thua lỗ. Các doanh nghiệp có độ chênh càng thấp càng thể hiện nguồn cung có sẵn, nhiều hơn nhưng doanh nghiệp có mức chênh cao.

Mặc dù vậy, dù đã tăng mạnh và có xu hướng biến động theo giá vàng thế giới, nhưng giá vàng SJC trong nước vẫn chênh lệch, cao hơn tới 7-8 triệu đồng so với giá vàng quốc tế.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho hay, do chính sách nhập khẩu vàng bị hạn chế. Hiện tại, vàng nguyên liệu chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhập khẩu, nên vàng SJC thiếu nguồn cung dẫn đến giá cao.

Nhưng cách đây không lâu, đại diện NHNN lại lý giải, chênh lệch giá vàng trong nước neo cao là do các doanh nghiệp phòng thủ, giảm rủi ro khi thị trường biến động mạnh, không phải do nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt. Bởi NHNN thường xuyên dập vàng miếng cho Công ty Vàng bạc đá quý SJC, bảo đảm cung ứng trên thị trường.

Một vấn đề đặt ra khi khoảng cách doãng rộng giữa giá vàng trong nước và quốc tế là nguy cơ buôn lậu vàng. Những tháng gần đây, lực lượng chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu vàng tại các khu vực biên giới Tây Nam. Vì vậy, cơ quan chức năng cho biết đã phải tăng cường các biện pháp quản lý và thực hiện kiểm soát tại các khu vực đường biên, lối mở.

Đánh giá việc đầu tư vào vàng trong thời điểm này, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng thì vàng được xem là một trong những kênh bảo vệ tài sản của nhà đầu tư một cách tốt nhất. Ngoài việc phòng chống lạm phát thì vàng còn có tính thanh khoản rất cao, giúp người dân dễ dàng cơ cấu danh mục đầu tư khi cần. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ khoảng 20% vốn nhàn rỗi vào vàng.

Nhưng về mặt dài hạn, ông Phan Dũng Khánh lại cho rằng, mua vàng vật chất tại Việt Nam sẽ ít sinh lời, kể cả khi duy trì sang năm 2022. Bởi giá vàng trong nước chủ yếu nằm trong tay người người bán, không đi theo quy luật thị trường nên sẽ có độ rủi ro cao hơn.