Vượt qua bẫy thu nhập trung bình
(Tài chính) Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng phát triển kinh tế của một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ giậm chân tại mức thu nhập ấy.
Thực tiễn cho thấy, không một nền kinh tế nào có thể đạt thu nhập cao mà ngành sản xuất không chiếm ít nhất 18% GDP và liên tục tăng việc làm mới trong thời gian dài. Hơn nữa, bẫy thu nhập trung bình là một thách thức lớn khi nền kinh tế ngày càng lệ thuộc bên ngoài, nhất là lệ thuộc hàng hóa đầu vào khiến nhập siêu trường kỳ, còn xuất khẩu lệ thuộc nhà đầu tư nước ngoài. Ưu thế nhân công rẻ mất dần và chi phí sản xuất khác tăng lên đang ngày càng giảm khả năng cạnh tranh của các quốc gia chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình.
Việt Nam từ năm 2008 đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thấp). Ước tính giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với kế hoạch. Theo tính toán, GDP bình quân đầu người năm 2010 vào khoảng 1.191 USD/năm (số liệu WB), để GDP tăng gấp đôi sau 10 năm, thì tốc độ tăng trưởng phải đạt 7%/năm. Như vậy, nếu “thuận buồm xuôi gió”, sớm nhất cũng phải sau 18 năm, đến năm 2028 chúng ta mới có thể vượt ngưỡng 4.000 USD/năm, vừa đủ tiêu chuẩn bước ra khỏi một nước có thu nhập trung bình.
Bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam gắn với nguy cơ tốc độ tăng trưởng chậm lại vì các nhân tố tăng trưởng theo bề rộng đã tới giới hạn và các động lực phát triển theo chiều sâu còn mờ nhạt, hoặc thiếu vững chắc. Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh và cần có thêm động lực mới.
Năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và các cân đối cả cấp vĩ mô và vi mô đều chậm được cải thiện bởi nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu kinh tế của một nền kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất, dựa vào lắp ráp giản đơn với lao động thiếu kỹ năng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt; phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, tư duy quản lý còn chậm đổi mới, bị lợi ích nhóm trì kéo, bóp méo. Nếu tiếp tục xuất khẩu tài nguyên, sản phẩm dưới dạng thô hoặc sơ chế và coi nhân công giá rẻ là lợi thế, thì khó có tăng trưởng GDP cao liên tục và vững chắc, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình sẽ ngày càng đậm dần.
Việt Nam đã nhận ra thách thức này và ngay từ đầu năm 2011 đã thông qua một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2011 – 2020, đặt quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn yếu kém hiện nay; kiên trì mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng; xây dựng thể chế chính sách có cấu trúc hợp lý, cung cấp tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển hạ tầng kết nối, kết nối các thành phần kinh tế tư nhân và nhà nước, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ; chủ động hội nhập quốc tế và ký kết các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và cải cách mạnh mẽ hơn nữa cách thể chế chính sách để tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, tăng tính minh bạch, tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà tài trợ.
Đặc biệt, cần quy hoạch lại định hướng công nghiệp và phát triển tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất theo từng chuỗi ngành, sản phẩm chủ lực; ưu tiên phát triển công nghiệp thông tin, công nghiệp phụ trợ vừa phát huy lợi thế của từng vùng, miền và phù hợp với nhu cầu, triển vọng thị trường, vừa có tầm nhìn dài hạn đối với các khu vực trọng điểm kinh tế và tham gia ngày càng vững chắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ tiếp cận các nguồn vay và tìm kiếm thêm giá trị gia tăng; khai thác tốt các nguồn tài chính, kích thích sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong việc đóng góp vào những thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn vốn ODA có xu hướng giảm và chi phí vốn ngày càng cao…