Vượt qua đại dịch, ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2021

Trần Huyền

Sáng ngày 6/1/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lãnh đạo Bộ Tài chính và các đại biểu tham dự hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lãnh đạo Bộ Tài chính và các đại biểu tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tài chính (TP. Hà Nội) có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương.

Về phía Bộ Tài chính, tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính; đại diện cán bộ chủ chốt các cục, vụ, viện, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

Hội nghị còn có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy một số địa phương, Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở tài chính, cục thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, cục dự trữ các tỉnh, thành phố tại điểm cầu 62 tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem video tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2021 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Góp phần thực hiện “mục tiêu kép”

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021 được triển khai trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức có phần nhiều hơn. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát lần 3 và 4, lan rộng và kéo dài ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu vụ kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại khai mạc Hội nghị.  
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại khai mạc Hội nghị.  

Trong năm 2021, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đã được Bộ Tài chính chú trọng triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính – NSNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh COVID-19. 

Bộ Tài chính đã hoàn thành 38/40 nhiệm vụ được giao (đạt 95%), như: trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm và thông qua 04 nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 04 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 29 nghị định và đang xem xét thông qua 11 dự thảo Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 122 thông tư.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân.

Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; kết hợp với dịch COVID-19 đã được kiểm soát tích cực từ cuối tháng 9/2021, các hoạt động sản xuất - kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới, thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.

Các đại biểu xem video tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2021 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Các đại biểu xem video tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2021 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Công tác điều hành chi NSNN chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở 33 địa phương... Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo, bội chi NSNN thực hiện năm 2021 dưới 4% GDP.

Cùng với điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững. Đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7%GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.

Năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục tiên phong trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Về Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR index 2020) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020), Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2/17 Bộ, cơ quan ngang bộ với 94,8/100 điểm, là năm thứ 7 liên tiếp nằm trong top 3 Bộ đứng đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính. Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu và là 8 năm liên tiếp (từ năm 2013-2020) dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022

Năm 2022, Quốc hội đã quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao dự toán thu là 1.411,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, dự toán thu nội địa chiếm 83,35%, thu dầu thô chiếm 2%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,1%, thu viện trợ chiếm 0,55%. Dự toán chi ngân sách là 1.784,6 nghìn tỷ đồng; trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển chiếm 29,48%, chi thường xuyên chiếm 62,26%, chi trả nợ lãi chiếm 8,26%. Dự toán bội chi mức 4% GDP.

Triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Bộ Tài chính đã đề ra 08 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022, cụ thể:

Một là, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch COVID-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền và triển khai kịp thời các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, thiết kế các gói kích cầu kinh tế và tài khóa có hiệu quả, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế...

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh... phát sinh; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Quản lý chặt chẽ bội chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo mức vay nợ trong hạn mức được duyệt, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định.

Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng chính phủ số.

Ba là, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu NSNN.

Năm là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành Tài chính được giao trong năm 2022.

Sáu là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ hàng hóa có hiệu quả. Làm tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Bảy là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Tám là, tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây biến động giá bất thường.

Bộ Tài chính tin tưởng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ, công chức trong toàn ngành Tài chính, ngành Tài chính sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao.