Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, ứng phó với đại dịch COVID-19
Năm 2021, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, ứng phó với đại dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2021. Đồng thời, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa phù hợp với thực tiễn điều hành năm 2021, để vừa phòng, chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong các giải pháp về thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhân dân đánh giá cao. Các chính sách nêu trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.
Ưu tiên chi ngân sách cho phòng, chống dịch
Cùng với các giải pháp về thu ngân sách, Bộ Tài chính đã điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân, như: trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 thành lập Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ Vắc xin phòng COVID-19; đồng thời, đã ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, địa phương về nguồn kinh phí và cơ chế mua sắm trong điều kiện dịch COVID-19. Tính đến ngày 31/12/2021, Quỹ đã huy động được 8.803 tỷ đồng tài trợ, đóng góp của 582.511 lượt tổ chức, cá nhân.
Cùng với đó, để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc xin tiêm phòng COVID-19 cho người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ: bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020; trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch của Bộ Y tế năm 2020 chưa sử dụng sang năm 2021 để mua vắc xin.
Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022.
Có thể nói, các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách chủ động, linh hoạt của Bộ Tài chính đã kịp thời ứng phó với dịch bệnh, góp phần ổn định đời sống xã hội. Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, tăng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.