Báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết ngành thủy sản
Trong thực tế, đã có nhiều hướng dẫn mang tầm quốc tế làm cơ sở tham chiếu cho các doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững, tuy nhiên, báo cáo phát triển bền vững được lập theo hướng dẫn của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) đang được đa số doanh nghiệp trên thế giới vận dụng, vì tính hữu ích, đầy đủ và thuận tiện trong triển khai thực hiện.
Bài viết trao đổi về nguyên tắc xác định nội dung báo cáo theo tiêu chuẩn GRI; Yêu cầu chất lượng của báo cáo phát triển bền vững theo khung GRI; Báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết, để từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Tổng quan báo cáo phát triển bền vững
Hoạt động của doanh nghiệp (DN) nhằm khai thác các nguồn lực để đạt được mục tiêu lợi nhuận nên khó tránh khỏi những tác động làm tổn hại đến môi trường, cạn kiệt tài nguyên, tổn thương đến người lao động và cộng đồng. Trong thời đại kinh tế mới, mỗi DN tham gia hoạt động kinh tế đều phải có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững chung. Hoạt động kinh doanh bền vững trong mỗi DN sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh bền vững có thể làm gia tăng các khoản chi phí nhưng xét về dài hạn vị thế của DN ngày càng được củng cố và mang lại lợi ích kinh tế cho DN. Do vậy, đa số các nhà quản lý DN đều cho rằng, cần lồng ghép chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh của DN.
Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh thông tin tài chính, các DN còn phải báo cáo về hoạt động phát triển bền vững. Báo cáo phát triển bền vững bổ sung cho báo cáo tài chính, nhằm thông tin đầy đủ về DN trong mối quan hệ với các bên có liên quan khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Báo cáo phát triển bền vững là thông tin của DN về các cam kết phát triển bền vững và những hoạt động để thực hiện các cam kết này.
Ngày nay, báo cáo phát triển bền vững đã được cộng đồng DN trên toàn thế giới hưởng ứng nhiệt tình và coi là một sản phẩm thông tin quan trọng cung cấp cho những người quan tâm tới một DN. Đã có nhiều hướng dẫn mang tầm quốc tế làm cơ sở tham chiếu cho các DN lập báo cáo phát triển bền vững như: Hướng dẫn của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI); Hướng dẫn của Dự án Công bố Cacbon; Hướng dẫn của Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp quốc; Khung phát triển bền vững của IFC; Hướng dẫn của Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế. Trong đó, báo cáo phát triển bền vững được lập theo hướng dẫn GRI đang được đa số các DN trên toàn thế giới vận dụng, vì tính hữu ích, đầy đủ và thuận tiện trong triển khai thực hiện.
Nguyên tắc xác định nội dung báo cáo theo tiêu chuẩn GRI
Các nguyên tắc xác định nội dung báo cáo được xây dựng nhằm đảm bảo sự minh bạch trong báo cáo phát triển bền vững. Khi lập báo cáo, các DN đều phải thực hiện các nguyên tắc này.
Nguyên tắc xác định nội dung báo cáo mô tả quy trình sẽ được áp dụng để xác định nội dung nào cần nêu trong báo cáo, thông qua việc rà soát các hoạt động, các tác động của DN và mức độ mong đợi của tổ chức cũng như lợi ích của các bên có liên quan trong hoạt động phát triển bền vững. Theo đó, xác định nội dung báo cáo bao gồm những nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc tham vấn các bên có liên quan: Nguyên tắc này đòi hỏi DN cần xác định được các bên có liên quan của mình và giải thích DN đã đáp ứng những mong đợi và lợi ích hợp lý của các bên có liên quan như thế nào? Các bên liên quan bao gồm những người đang đầu tư vào tổ chức và những người có mối quan hệ khác với tổ chức. Nói cách khác, các bên liên quan là những người hoặc những tổ chức ảnh hưởng tới hoạt động của DN, hoặc bị ảnh hưởng bởi hoạt động của DN. Các bên liên quan bên trong DN bao gồm các chủ sở hữu, quản lý DN, người lao động; bên ngoài DN bao gồm khách hàng, nhà cung cấp, người cho vay, cộng đồng, chính phủ, cổ đông. Những mong đợi và lợi ích hợp lý của các bên có liên quan là điểm tham chiếu chính cho nhiều quyết định trong quá trình lập báo cáo.
- Nguyên tắc bối cảnh phát triển bền vững: Nguyên tắc này yêu cầu báo cáo phải thể hiện kết quả hoạt động của DN trong bối cảnh rộng hơn của phát triển bền vững. Thông tin về kết quả hoạt động phải đặt trong bối cảnh nhất định. Câu hỏi cơ bản của báo cáo phát triển bền vững là DN góp phần hoặc hướng đến việc đóng góp như thế nào trong tương lai cho việc cải thiện hoặc làm suy giảm các điều kiện, sự phát triển và các xu hướng kinh tế, môi trường, xã hội ở cấp địa phương, khu vực, hoặc toàn cầu. Việc chỉ báo cáo riêng về các xu hướng trong kết quả hoạt động của DN (hoặc tính hiệu quả của DN) sẽ đáp ứng được câu hỏi cơ bản này. Do đó, các báo cáo phải tìm cách thể hiện kết quả hoạt động liên quan đến các khái niệm rộng hơn về phát triển bền vững. Điều này bao gồm việc thảo luận về kết quả hoạt động của tổ chức trong bối cảnh có những hạn chế và nhu cầu về nguồn lực, môi trường, xã hội ở cấp ngành, địa phương, khu vực, hoặc toàn cầu.
- Nguyên tắc trọng yếu: Nguyên tắc này yêu cầu báo cáo phát triển bền vững phải bao gồm các lĩnh vực phản ánh những tác động kinh tế, môi trường, xã hội đáng kể của DN hoặc ảnh hưởng tới sự đánh giá và quyết định của các bên có liên quan. Các chủ đề liên quan là các chủ đề có lý do để xem là quan trọng đối với việc phản ánh các tác động kinh tế, xã hội, môi trường của DN hoặc gây ảnh hưởng tới quyết định của các bên có liên quan, do vậy có khả năng được đưa vào báo cáo.
Nội dung báo cáo theo tiêu chuẩn GRI
Cấu trúc tiêu chuẩn báo cáo bền vững GRI bao gồm 4 phần: Tiêu chuẩn 100 - Các tiêu chuẩn khái quát; Tiêu chuẩn 200 - Các tiêu chuẩn về kinh tế; Tiêu chuẩn 300 - Các tiêu chuẩn về môi trường; Tiêu chuẩn 400 - Các tiêu chuẩn về xã hội. Mức độ báo cáo theo từng tiêu chuẩn GRI, cụ thể gồm 3 cấp độ: yêu cầu, gợi ý, hướng dẫn.
- Các tiêu chuẩn khái quát: Áp dụng cho tất cả các tổ chức muốn lập báo cáo phát triển bền vững, bao gồm 7 phần: Chiến lược và phân tích; Hồ sơ tổ chức; Xác định các lĩnh vực trọng yếu và các ranh giới; Sự tham vấn của các bên liên quan; Hồ sơ báo cáo; Quản trị; Đạo đức và tính chính trực.
- Các tiêu chuẩn cụ thể: GRI chia thông tin công bố theo tiêu chuẩn cụ thể thành 3 danh mục: kinh tế, môi trường và xã hội. Danh mục xã hội được chia nhỏ thành 4 tiểu mục là cách đối xử với người lao động và việc làm bền vững, quyền con người, xã hội và trách nhiệm xã hội đối với sản phẩm.
Yêu cầu chất lượng của báo cáo phát triển bền vững theo khung GRI
Yêu cầu về chất lượng báo cáo phát triển bền vững nhằm đảm bảo các bên có liên quan dựa vào thông tin cung cấp trong báo cáo có khả năng đánh giá hiệu quả hoạt động phát triển bền vững một cách hợp lý và đưa ra quyết định trong tương lai đối với DN. Các yêu cầu đảm bảo chất lượng báo cáo phát triển bền vững bao gồm: Yêu cầu cân đối, yêu cầu có khả năng so sánh, yêu cầu chính xác, yêu cầu kịp thời, yêu cầu rõ ràng, yêu cầu tin cậy.
- Yêu cầu cân đối: Đòi hỏi báo cáo phát triển bền vững phải phản ánh cả các tác động tích cực và tiêu cực của DN đến phát triển bền vững. Yêu cầu cân đối giúp người sử dụng thông tin có thể đánh giá toàn diện về hoạt động phát triển bền vững. Sự mất cân đối có thể xảy ra khi DN chỉ đề cập trong báo cáo những thành tích đã đạt được và bỏ qua những sự kiện ảnh hưởng không tốt đến phát triển bền vững. Để đạt yêu cầu cân đối, cần thực hiện 3 nội dung sau: (1) Báo cáo phát triển bền vững cần tránh bỏ sót những sự kiện làm cho người đọc báo cáo có quyết định hoặc sự phán đoán không đúng; (2) Báo cáo cần bao gồm cả các sự kiện bất lợi và thuận lợi có thể ảnh hưởng tới các quyết định của các bên có liên quan; (3) Phân biệt một cách rõ ràng giữa việc trình bày thực tế với việc giải thích của DN đối với thông tin.
- Yêu cầu so sánh được: Là yêu cầu thiết yếu, cho phép người đọc báo cáo báo cáo đánh giá việc thực hiện của DN. Thực hiện nguyên tắc này trước hết cho phép người đọc báo cáo phân tích sự thay đổi hoạt động phát triển bền vững của DN qua thời gian, đồng thời có thể phân tích so sánh với hoạt động phát triển bền vững của DN khác.
- Yêu cầu chính xác: Thông tin được báo cáo cần đầy đủ thông tin và chính xác để các đối tượng sử dụng thông tin có căn cứ đánh giá hoạt động của DN. Tính chính xác đề cập tới cả hai khía cạnh là độ chính xác và biên độ của sai số. DN cần mô tả kỹ thuật đo lường số liệu, tính toán căn bản và chứng minh được có thể nhân rộng với những kết quả tương tự. Sai số không được phép quá lớn để ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin báo cáo. DN cần đảm bảo rằng, chất lượng của thông tin được báo cáo là có giá trị dựa trên nền tảng thông tin và các chứng cứ cơ bản.
- Yêu cầu kịp thời: Giá trị của thông tin gắn chặt với thời điểm cung cấp thông tin giúp cho các bên có liên quan sử dụng tích hợp trong việc phân tích để có thể đưa ra các quyết định. Báo cáo phát triển bền vững phải được phát hành đúng thời gian quy định và sẵn sàng cho các bên có liên quan sử dụng để ra được các quyết định sáng suốt.
- Yêu cầu rõ ràng: Đòi hỏi báo cáo phát triển bền vững phải được trình bày dễ hiểu, dễ truy cập và có khả năng sử dụng được. Tính rõ ràng của báo cáo cho phép người sử dụng có thể tìm và hiểu các thông tin một cách thuận lợi. Để đảm bảo yêu cầu rõ ràng, báo cáo phát triển bền vững cũng phải thể hiện đầy đủ cấp độ thông tin, hạn chế thông tin dư thừa, thuật ngữ khoa học, tiếng lóng, chữ viết tắt cũng như các cách trình bày khó hiểu khác.
Báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết
Vấn đề công bố thông tin về phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết
Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính là văn bản pháp lý đầu tiên yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên thị trường chứng khoán Việt Nam công bố thông tin về phát triển bền vững. Công ty niêm yết có thể lập riêng báo cáo phát triển bền vững hoặc trình bày tích hợp trong báo cáo thường niên. Nội dung DN phải báo cáo tác động đến môi trường và xã hội, cụ thể bao gồm 6 vấn đề: (1) Quản lý nguồn nguyên liệu; (2) Tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước; (3) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (4) Chính sách liên quan đến người lao động; (5) Báo cáo liên quan đến trách nhiệm với cộng đồng địa phương; (6) Báo cáo liên quan đến thị trường vốn xanh. Thông tư số 155/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, do đó các công ty đại chúng phải công bố báo cáo bền vững của năm 2015.
Sau gần 3 năm Thông tư số 155/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành cho đến nay, báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã có sự phát triển đáng kể. Năm tài chính 2015 (công bố báo cáo vào năm 2016) là năm đầu tiên các DN phải thực hiện báo cáo thông tin phát triển bền vững nên nhiều DN còn bị động, nội dung báo cáo sơ sài, thậm chí một số DN còn bỏ qua nội dung này. Tuy nhiên, đến năm 2016, chỉ còn một số ít DNNY chưa thể hiện nội dung phát triển bền vững trong báo cáo. Nội dung báo cáo của các DN đã tập trung vào 5 yêu cầu của Thông tư số 155/2015/TT-BTC, đó là quản lý nguồn nguyên liệu, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, chính sách liên quan đến người lao động, báo cáo liên quan đến trách nhiêm với cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn có nhiều DN không báo cáo nội dung liên quan đến thị trường vốn xanh.
Năm tài chính 2017, tình hình báo cáo phát triển bền vững của các DNNY đã dần đi vào ổn định. Đa số các DN trình bày nội dung báo cáo phát triển bền vững lồng ghép trong báo cáo thường niên và nội dung trình bày đã cơ bản tuân thủ theo yêu cầu của Thông tư số 155/2015/TT-BTC. Một số DN trình bày riêng báo cáo phát triển bền vững, nội dung báo cáo phong phú. Các DN cung cấp báo cáo phát triển bền vững có chất lượng cao điển hình là Tập đoàn Bảo Việt, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Gemadept… Trong đó, nhiều DN đã lập báo cáo theo hướng dẫn của GRI như Tập đoàn Bảo Việt, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam… Các báo cáo này đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, thậm chí còn được vinh danh thông qua các giải thưởng cho báo cáo phát triển bền vững.
Tổng quan doanh nghiệp thủy sản Việt Nam
Việt Nam có bờ biển dài và hệ thống sông ngòi dày đặc nên từ lâu thủy sản đã trở thành một trong những ngành nghề truyền thống. Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thủy sản Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế hàng hóa lớn, tham gia mạnh mẽ vào thị trường quốc tế. Xuất khẩu thủy sản mang về một nguồn ngoại tệ lớn, tạo nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng, ổn định của nền kinh tế, góp phần gìn giữ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Với chủ trương thúc đẩy phát triển của chính phủ, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước. Trong khi đó, trước sự cạn kiệt dần của nguồn thủy sản tự nhiên và trình độ của hoạt động khai thác đánh bắt chưa được cải thiện, sản lượng thủy sản từ hoạt động khai thác tăng khá thấp trong các năm qua, với mức tăng bình quân 6,42%/năm.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại cho ngành thủy sản nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức để phát triển bền vững. Phương tiện tàu thuyền khai thác còn lạc hậu, chưa đảm bảo an toàn, kỹ thuật khai thác chưa tiên tiến dẫn đến chất lượng và sản lượng khai thác còn thấp. Số tàu thuyền khai thác gần bờ gia tăng mạnh làm cho nguồn thủy sản gần bờ suy giảm mạnh. Ngư dân khai thác trên biển gặp nhiều rủi ro. Hàng loạt yêu cầu của các nước nhập khẩu đã và đang đặt ra, thách thức ngành thủy sản như kiểm soát hàm lượng kháng sinh tồn dư trong thủy sản xuất khẩu, thông tin về truy xuất nguồn gốc xuất xứ thủy sản xuất khẩu…
Báo cáo phát triển bền vững của các DNNY ngành Thủy sản
Để nghiên cứu, tác giả đã tiến hành khảo sát báo cáo phát triển bền vững của các DN ngành Thủy sản niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, bao gồm 14 DN: Công ty Thủy sản Mê công (mã chứng khoán AAM), Công ty Thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán ABT), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã chứng khoán ACL), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV), Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch và Phát triển thủy sản (DAT), Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG), Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và thủy sản INCOMFISH (ICF), Công ty Cổ phần Thủy sản số 4 (TS4), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (BLF), Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (NGC).
Kết quả khảo sát cho thấy, tại thời điểm khảo sát năm 2017 vẫn có 6/14 DN thủy sản niêm yết chưa báo cáo thông tin về phát triển bền vững. Các DN đã báo cáo đều trình bày theo các nội dung yêu cầu mang tính bắt buộc theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC. Nhiều DN đã có mục tiêu phát triển bền vững trong kế hoạch hoạt động kinh doanh chung. Tất cả các DN đã báo cáo đều lồng ghép báo cáo phát triển bền vững trong báo cáo thường niên, nội dung báo cáo trung bình 2 trang. Chưa có DN trình bày riêng báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI. Một số báo cáo chưa có sự cải thiện đáng kể giữa năm 2016 và năm 2017... Qua đó cho thấy, các DN thủy sản niêm yết chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho việc lập báo cáo phát triển bền vững. Các vấn đề thời sự phát triển bền vững liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN thủy sản cũng chưa được đề cập đến trong báo cáo một cách thỏa đáng.
Một số khuyến nghị
Để nâng cao chất lượng báo cáo phát triển bền vững, các DN thủy sản niêm yết cần nhận thức đầy đủ vai trò của báo cáo phát triển bền vững đối với hoạt động của mình. Báo cáo phát triển bền vững là công cụ cam kết, giải trình và kế hoạch hành động phát triển kinh doanh bền vững của DN. Do đó, nội dung của báo cáo cần phát triển rộng hơn để mang lại hiệu quả thiết thực. Trong điều kiện chưa thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của GRI, các DN thủy sản cần tham khảo nguyên tắc xác định nội dung báo cáo của GRI để có hướng cải thiện chất lượng báo cáo. Theo nguyên tắc tham vấn của các bên có liên quan, DN cần xác định được bên có liên quan, ảnh hưởng tới DN hoặc bị ảnh hưởng bởi DN.
Trong đó, cần xác định bên liên quan nào chi phối đáng kể đến hiệu quả hoạt động của DN trong hiện tại và tương lai. Nguyên tắc tham vấn của các bên liên quan có mối liên hệ trực tiếp với nguyên tắc bối cảnh phát triển bền vững và nguyên tắc trọng yếu. Nhiều DN ngành Thủy sản đang phải đối phó với các quy định khắt khe của khách hàng nước ngoài nhập khẩu thủy sản. Do đó, cần phải có báo cáo, giải trình và có kế hoạch hành động cụ thể trong bối cảnh phát triển bền vững theo yêu cầu của khách hàng và coi đây là một nội dung trọng yếu trong báo cáo phát triển bền vững. Việc cải thiện chất lượng báo cáo sẽ có tác dụng tích cực tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.