WB đề xuất nhiều giải pháp cải cách thuế cho Việt Nam
(Tài chính) Tại hội thảo về chỉ số nộp thuế và đề xuất cho Việt Nam được tổ chức mới đây, bà Joanna Nasr - chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra những kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới đã cải cách thành công, qua đó đề xuất nhiều giải pháp cải cách hành chính thuế cho Việt Nam.
Kinh nghiệm từ các nước
Tại hội thảo, bà Joann Nasr đã đưa ra hàng loạt những dẫn chứng, những bài học thành công từ nhiều nước đã cải cách phương pháp quản lý thuế thành công như Belarus, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… Theo WB, mỗi quốc gia có những cải cách khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều tạo điều kiện để người nộp thuế tuân thủ nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, Hàn Quốc có phương pháp quản lý thuế khá hiệu quả và dễ thực hiện, được cộng đồng doanh nghiệp (DN) nội và các DN nước ngoài đánh giá cao. Theo nghiên cứu của WB, một cải cách đáng chú ý là sáp nhập một số loại thuế (như: thuế quy hoạch đô thị và thuế tài sản) để dễ quản lý; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 25% xuống còn 22%; thực hiện cấp hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) điện tử bắt buộc đối với tất cả mọi đối tượng nộp thuế từ năm 2012. Với cải cách này, Hàn Quốc đã giảm số lần nộp thuế từ 14 lần xuống còn 10 lần, số giờ nộp thuế từ 290 giờ còn 187 giờ.
Malaysia cũng được WB đánh giá cao về cải cách thủ tục hành chính thuế. Ngoài việc đưa công nghệ thông tin vào quản lý thuế như khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử thì Malaysia đã xây dựng phần mềm tự động hoàn thuế. Nghĩa là việc hoàn thuế này được ghi trực tiếp vào tài khoản của người nộp thuế thông qua hệ thống hoàn thuế điện tử. Nhờ đó, số lần nộp thuế từ 35 lần/năm giảm xuống còn 13 lần/năm; số giờ giảm từ 166 giờ còn 133 giờ.
Đề xuất cải cách cho Việt Nam
Qua nghiên cứu thực tế của WB tại Việt Nam, cùng với những kinh nghiệm cải cách của nhiều nước, bà Joanna Nasr đã đề xuất nhiều cải cách về lĩnh vực thuế cho Việt Nam. Theo bà Joanna Nasr, phương pháp quản lý thuế và thuế suất là một trong những rào cản hàng đầu đối với các DN ở các quốc gia đang phát triển.
“Thuế mà các DN phải nộp là để Nhà nước đảm bảo cho xã hội hoạt động ổn định và công bằng hơn; là nguồn vốn đầu tư cho các chương trình anh sinh xã hội. Vì thế nó có vai trò rất quan trọng để hoạt động của Chính phủ một cách hiệu quả. Nhưng thuế suất và quản lý thuế cồng kềnh sẽ là trở ngại đối với sự phát triển của DN” - bà Joanna Nasr nói.
Vì thuế suất là một trong những tiêu chí quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh, nên bà Joanna Nasr cho rằng, Việt Nam nên quan tâm đến chỉ số này, các chuyên gia đến từ WB cũng đã đưa ra những yếu tố làm tăng số giờ nộp thuế của Việt Nam, chẳng hạn như việc thu thập hồ sơ, chứng từ cần thiết để chuẩn bị tờ khai thuế TNDN, bao gồm báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, cân đối thử, tờ khai của năm trước; rà soát kiểm tra các khoản thu, chi...
Tương tự, đối với thuế GTGT cũng vậy, DN phải mất nhiều thời gian tập hợp tất cả các hóa đơn đã xuất và nhận được trong tháng, kiểm tra xem liệu các hóa đơn có đủ điều kiện để khấu trừ GTGT đầu vào, kiểm tra xem liệu các hóa đơn đã được đưa vào tờ khai thuế GTGT tháng trước hay chưa…
Những thủ tục này khiến cho DN mất khá nhiều thời gian, làm tăng chi phí tuân thủ cũng như thời gian nộp thuế của DN. Do đó, bà Joanna Nasr khuyến nghị Việt Nam nên rà soát lại tất cả các quy định liên quan đến kê khai thuế, các thủ tục, chứng từ kèm theo để đơn giản hóa các quy định. Có như vậy thời gian nộp thuế mới giảm và điều quan trọng là tạo được sự thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của cộng đồng DN.