WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,4% trong năm 2014

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Sandeep Mahajan – Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 5,4% trong năm nay, thấp hơn mức 5,8% mà Chính phủ dự kiến.

WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,4% trong năm 2014
WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 5,4% trong năm nay. Nguồn: internet

Dự báo này của WB dựa trên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và có thể thay đổi trong trường hợp có những đột biến ở 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan khẳng định, mức dao động quanh ngưỡng tăng trưởng 5,4% sẽ không lớn.

Báo cáo còn chỉ ra, hiện ở Việt Nam, hoạt động đầu tư yếu ớt phản ánh những nhân tố cơ cấu và do những tác động cộng lực của thị trường bất động sản èo uột. Vấn đề cơ cấu kinh tế cũng là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam. 

Về mức tăng chỉ số PMI (đo điều kiện sản xuất) của Việt Nam thời gian gần đây chậm lại, chuyên gia World Bank cho rằng, dù vậy, PMI vẫn trên ngưỡng 50 điểm. Điều đó có nghĩa là, điều kiện sản xuất của Việt Nam thực tế vẫn khả quan hơn so với tháng trước đó, dù tốc độ tăng có thu hẹp lại.

Tăng tốc độ cổ phần hóa

Liên quan đến tiến trình tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa, của Việt Nam, ông Sandeep đánh giá, tốc độ cổ phần hóa vẫn chưa đạt được kết quả như WB kỳ vọng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ từ khủng hoảng, do đó, nhu cầu mua cổ phần của các nhà đầu tư giảm xuống và do đó khiến quá trình này chậm lại.

Chuyên gia WB cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hoạt động công bố thông tin về những doanh nghiệp cổ phần hóa, về tình hình ngân hàng, kiểm toán ngân hàng và kiểm toán doanh nghiệp nhà nước, kể cả kiểm toán về mặt tài chính. Đây là những điều mà nhà đầu tư quan tâm khi muốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp.

“Họ quan tâm đến tính minh bạch của các doanh nghiệp, và đó là vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa nếu muốn tăng tốc cổ phần hóa” – ông Sandeep khuyến nghị. Ngoài ra, việc minh bạch trong lĩnh vực ngân hàng cũng sẽ góp phần giúp giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước

Chuyên gia WB nhận xét, hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại hai tốc độ tăng trưởng kinh tế: tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tốc độ tăng trưởng vẫn còn yếu ớt của các doanh nghiệp trong nước. Ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nội địa đóng cửa hoặc ngưng hoạt động. Trong 7 tháng đầu năm nay, có 37.600 doanh nghiệp nội địa đóng cửa hoặc ngưng hoạt động, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, FDI vẫn là nhân tố chính đưa kinh tế đi lên. Khu vực FDI hiện đóng góp 20% GDP, 25% tổng vốn đầu tư, 2/3 tổng lượng xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm.

Việc khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng yếu và nhập siêu mạnh, theo WB, là một trong những lý do kiềm hãm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần cụ thể hơn kế hoạch tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. “Nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ nhìn thấy tăng trưởng kinh tế cải thiện hơn trong những năm tới” - ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của WB công bố hồi tháng 7 cũng đã  nhận định: ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, song tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục ở dưới mức trung bình. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết: “Tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam được WB dự báo ở mức 5,4%, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa xứng với tiềm năng của Việt Nam”. Như vậy, mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam tại thời điểm này đã giảm xuống so với mức dự báo 5,5% mà WB dành cho Việt Nam tại báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu, được tổ chức này công bố hồi đầu tháng 6/2014.