WB sẽ ghi nhận số lần nộp thuế TNDN giảm từ 5 lần xuống còn 1 lần
WB cho biết dự kiến ghi nhận loạt cải cách của Việt Nam gồm: Số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm từ 5 xuống còn 1 lần; Khởi sự kinh doanh của Việt Nam từ 8 bước và 17 ngày như hiện nay dự kiến được ghi nhận giảm xuống còn 5 bước và 8 ngày; Thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày còn 52 ngày.
Trong tháng 5 năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp trao đổi với nhóm chuyên gia Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) để cập nhật các nội dung cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Những nội dung cải cách của Việt Nam được nhóm chuyên gia đánh giá cao và sẽ được WB kiểm chứng lại trong quá trình điều tra và phân tích dữ liệu để đưa vào đánh giá, xếp hạng trong Doing Business 2020 (dự kiến công bố vào tháng 10/2019).
Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội
Bộ Tài chính đã kịp thời cập nhật về số liệu doanh nghiệp thực hiện khai thuế và nộp thuế bằng phương thức điện tử cho tất cả loại thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN)… (đạt hơn 90%). Nhờ vậy, WB sẽ ghi nhận số lần nộp thuế TNDN giảm từ 5 lần xuống còn 1 lần.
Đồng thời, với nội dung cải cách tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế (hiệu lực từ 01/01/2015), theo đó đã bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra, thời gian thực hiện nộp thuế GTGT giảm 90 giờ, từ 219 giờ xuống còn 129 giờ.
WB tính 01 lần doanh nghiệp phải nộp thuế xăng dầu. Tuy nhiên, thuế này tính vào giá xăng dầu, do vậy tính vào chi phí của doanh nghiệp, không phải là một lần nộp thuế. WB đã ghi nhận nội dung này và sẽ điều chỉnh trong báo cáo đánh giá, xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH.
Giao dịch thương mại qua biên giới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số quy định gần đây góp phần cải thiện chỉ số này, như Nghị định số 59/2018/NĐ-CP có một số sửa đổi quan trọng như quy định về việc nộp chứng từ điện tử, về thời hạn phản hồi của công chức hải quan cho người khai hải quan sau khi tiếp nhận hồ sơ khai báo hải quan…
Nhìn chung, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã có những chuyển biến tích cực, song không đều và trong một số trường hợp vẫn mang tính hình thức hơn là cải cách thực chất.
Trong những tháng đầu năm 2019, nhiệm vụ này chưa có chuyển biến rõ ràng nào được ghi nhận. Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, có văn bản được ban hành với mục tiêu báo cáo thành tích hơn là cải cách thực chất cho doanh nghiệp.
Khởi sự kinh doanh
Về Khởi sự kinh doanh của Việt Nam từ 8 bước thủ tục và 17 ngày như hiện nay dự kiến được ghi nhận giảm xuống còn 5 bước thủ tục và 8 ngày.
Để được như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các phòng đăng ký kinh doanh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng gộp 04 bước thủ tục (gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp; thông báo mẫu con dấu; khắc dấu; mở tài khoản ngân hàng) thành 01 bước thủ tục.
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư rút ngắn thời gian đăng ký tự in hóa đơn từ 10 ngày xuống còn 02 ngày.
Cấp phép xây dựng
Trong khi đó, Chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam từ 10 bước thủ tục và 166 ngày như hiện nay dự kiến được ghi nhận giảm xuống còn 52 ngày.
Lý do, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các doanh nghiệp cấp thoát nước ở các địa phương kết hợp thực hiện đồng thời 03 thủ tục, gồm: Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC); cấp giấy phép xây dựng; và kết nối cấp thoát nước; đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện cấp giấy phép xây dựng.
Cùng với đó là các cải cách khác như tăng cường phân cấp cấp phép xây dựng cho địa phương quy định tại Luật Xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015; rút ngắn thời gian đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp
WB ghi nhận văn bản mới được ban hành gần đây thúc đẩy cải cách trong hệ thống Tòa án như Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; Nghị quyết về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử…
Ngoài ra, trong thực hiện thi hành, Bộ Tư pháp đã có một số cải cách về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thi hành án như nhận hồ sơ thi hành án trực tuyến từ đương sự; áp dụng dịch vụ bưu chính công ích trong việc gửi thông báo thi hành án...