WEF về Đông Á mở ra nhiều cơ hội đầu tư vàng

Nguồn:

TCTC Online - Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong 2 ngày 6 và 7/6/2020. Tại phiên bế mạc Diễn đàn tối 7/6, ông Frans W. Muller, đại diện Tập đoàn Metro (Đức) cho rằng, các doanh nghiệp đã tìm thấy nhiều “cơ hội đầu tư bằng vàng” tại WEF Đông Á năm nay.

 

Theo ông Muller, hành trang mang về sau Diễn đàn WEF Đông Á này chính là những cơ hội đầu tư bằng vàng. Đây là thời điểm để phát triển mạnh thương mại giữa châu Á và châu Âu.
 
Rất cụ thể, ông phấn khởi thông báo: “Ngay trong tuần sau, Tập đoàn Metro sẽ làm việc cùng Bộ Nông nghiệp Việt Nam để bàn về việc đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam”.
 
Tóm tắt hai ngày làm việc, Giám đốc điều hành WEF Robert Greenhill cho rằng, tại WEF Đông Á lần này, hơn 450 đại diện từ các nước trên thế giới đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển cũng như đề ra chiến lược phát triển lâu dài.
 
Các diễn giả cũng học được nhiều điều bổ ích, từ khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế đến việc xử lý khủng hoảng, phát triển bền vững, qua đó đảm bảo môi trường sạch.
 
Tuy nhiên, các diễn giả cũng lưu ý, mặc dù hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc có hiệu lực trong năm nay sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới (1,9 tỷ người tiêu dùng, giao thương trên 200 tỷ USD) nhưng bức tranh thương mại nội khối ASEAN vẫn có những gam màu xám.
 
Với tư cách là đồng Chủ tịch WEF, ông Muller cho rằng, các nước Đông Á cần mạnh dạn xây dựng hệ thống thương mại mở. Hiện giao dịch nông sản nội vùng Đông Á rất hạn chế, rất ít so với châu Âu. Giữa các nước có tình trạng bất hợp lý: nơi tiêu thụ không hết, chỗ lại không có để dùng.
 
Bà Mari Elka Pangestu, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, nữ chủ tọa duy nhất của phiên bế mạc cũng góp thêm ý kiến: Sở hữu thị trường 600 triệu dân, GDP trên 1.500 tỷ USD, ASEAN là đối thủ rất nặng ký của các nước. Nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn, ASEAN cần có những cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn về hành chính, hải quan, thông quan cửa khẩu.
 
Tổng giám đốc WTO - Pascal Lamy cũng đúc kết bài học qua khủng hoảng toàn cầu năm 2008: “Quốc gia nào cởi mở về thương mại hơn thì ít chịu thiệt hại hơn. Khu vực Đông Á cần tăng cường mở cửa, thúc đẩy hợp tác thông thoáng giữa các quốc gia thành viên”.
 
Tại phiên bế mạc, các chủ tọa đều thống nhất quan điểm, phát triển bền vững không chỉ là lợi nhuận mà quan trọng chính là doanh nghiệp biết quan tâm đến con người, biết bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế phải đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội đều khắp, đảm bảo mọi người được thừa hưởng thành quả từ phát triển…
 
Ông Robert Greenhill cũng bày tỏ cảm ơn nồng nhiệt dành cho nước chủ nhà Việt Nam đã tổ chức thành công diễn đàn WEF lần 19 và hứa hẹn "sẽ tiếp tục câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế" trong kỳ họp WEF Đông Á lần thứ 20 diễn ra tại Jakarta, Indonesia vào năm sau.