World Bank dang rộng vòng tay với "đối thủ" AIIB
(Tài chính) Giám đốc Ngân hàng Thế giới bày tỏ thiện chí muốn hợp tác với "đối thủ" đến từ Trung Quốc: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu (AIIB). Tuy nhiên đây cũng là "cái tát" vô hình đối với Mỹ, vốn từng kịch liệt phản đối sự ra đời của định chế tài chính này.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim cho biết ông sẽ cùng với giới chức Trung Quốc cho thế giới thấy World Bank có thể hợp tác – thay vì cạnh tranh với đối thủ mới đến từ Trung Hoa, Ngân hàng Hạ tầng Cơ sở Đầu tư Á châu (AIIB).
World Bank dang rộng vòng tay
Ông Kim gọi AIIB và những tổ chức tài chính khác do Trung Quốc đứng đầu là “đồng minh tiềm năng” trong nỗ lực đẩy lùi đói nghèo trên toàn cầu. Ông cho biết đã lên kế hoạch để bàn luận về phương thức hợp tác với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tại Washington vào tuần sau để chuẩn bị cho cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Trước đây, giám đốc Kim từng cho hay ông sẵn sàng hợp tác với AIIB, tuy nhiên trong một bài phát biểu ngày hôm qua ông đã nói rõ hơn, rằng sẽ đưa ra sự tán thành và mang ý kiến này vào cuộc họp cuối tuần sau của WB và IMF.
Nói về AIIB, đại diện Ngân hàng Phát triển Mới, “đồng minh tiềm năng” của World Bank cho rằng việc thành lập ngân hàng này là một “động cơ lớn lao mới” để giúp đỡ người nghèo trên toàn thế giới và thể hiện mong muốn nhanh chóng được cộng tác với các định chế tài chính khác.
Một trong những cách cải tiến là khuyến khích AIIB hỗ trợ tài chính cho các dự án World Bank điều hành, hướng đến các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và xã hội, ông Kim cho hay.
Bước đi này có thể giúp giải quyết nỗi lo sợ lớn nhất của Mỹ cũng như các tổ chức môi trường và luật pháp rằng AIIB sẽ không tuân thủ những quy tắc tài chính quốc tế. Washington đáp trả rằng với câu hỏi lớn về cấu trúc quản lý của AIIB, vẫn tiềm tàng rủi ro rằng sẽ xâm phạm đến các quốc gia đang phát triển giống như việc kiểm soát Myanmar trước đây.
Chủ tịch Kim sẽ gặp ông Lâu Kế Vĩ, bộ trưởng tài chính Trung Quốc trong cuộc họp tuần sau tại Washington và sẽ xem xét một “phiên họp dài” với ông Vĩ để bàn bạc về tương lai hợp tác giữa 2 định chế tài chính được xem là đối thủ này.
Vì sao Mỹ lại bị “bỏ rơi”?
Các giới chức Mỹ từng phản đối AIIB đã lên tiếng quan ngại rằng định chế tài chính này sẽ không thể tuân theo những quy chuẩn tín dụng và minh bạch quốc tế - cũng như không ủng hộ các quốc gia khác tham gia vào nhà băng của Bắc Kinh này. Trong khi đó, một số những đồng minh hàng đầu của Mỹ cũng đã bước chân tham gia vào ban thành viên sáng lập của ngân hàng.
Chán nản với sự phủ quát trên thị trường tài chính của Mỹ thông qua Ngân hàng Thế giới và IMF, Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác đang mong muốn thiết lập các định chế tài chính song song để nhằm thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu, bao gồm cả châu Á.
Khác với hai định chế lâu đời WB và IMF, AIIB cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước nhận nguồn tài chính hỗ trợ. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với chính sách đối ngoại của phương Tây. “Tấm gương” Hy Lạp vì những đồng trợ cấp quý báu từ IMF mà phải tuân theo chế độ “thắt lưng buộc bụng” kham khổ cùng với việc liên tục phải trình lên những chính sách cải cách chi tiết một phần trái ngược với những chính sách của AIIB.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia khác phải "nể phục".
Sau nhiều lần thất bại trong việc triển khai các chính sách kinh tế trên toàn cầu, IMF và WB đã có hành động thay đổi chính sách khi cho phép các quốc gia đang phát triển nhận khoản hỗ trợ kéo dài thời gian tiến hành cải cách.
Tuy nhiên, với tâm lý chung tỏ ra thất vọng trước tính thiếu quyết đoán của IMF và WB, điều dễ hiểu lý giải vì sao các nước đang phát triển đã nhanh chóng đi tìm nguồn tài trợ khác.
Về phía mình, Mỹ lại có những phản ứng chậm chạp trước sự hình thành và mở rộng hoạt động của AIIB, cũng như thất bại trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngân hàng AIIB “lót đường” cho sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang dần bao phủ toàn cầu và nhấn mạnh vai trò dịch chuyển của Ngân hàng Thế giới, đang tìm kiếm vị trí của mình trong một thời điểm mà giới nhà giàu của thị trường mới nổi, các công ty tư vấn phát triển tài chính tư và quốc tế đang trỗi dậy.
Lời đề nghị của ông Jim Yong Kim được đưa ra chỉ ngay trước cuộc họp mùa xuân của WB và IMF diễn ra tại Washington. Điều này cũng đánh dấu một sự chia rẽ của 2 tổ chức này đối với chính quyền ông Obama.
Để kinh tế có thể tăng trưởng và đáp ứng được nhu cầu của dân số tăng lên, thế giới cần bơm thêm khoảng 1 – 1,5 nghìn tỉ USD mỗi năm vào đầu tư cầu đường, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác. Dù các ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng trên thế giới đang tồn tại có chung sức, con số trên vẫn chưa thể được lấp đầy. Để thành công, ông Kim nói, nguồn vốn lớn hơn dành cho các dự án phát triển từ các khu vực tư và nhưng “người mới” như AIIB là cần thiết.