World Bank: Giá hàng hóa có thể tiếp tục giảm đến năm 2015

Theo gafin.vn

(Tài chính) Giá hầu hết các loại hàng hóa, nhất là dầu thô, được dự đoán tiếp tục ở mức thấp trong thời gian còn lại năm nay và phần lớn năm 2015, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết trong Viễn cảnh Thị trường Hàng hóa mới nhất ra ngày 16/10.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mối lo ngại ngày càng tăng về kinh tế eurozone và các nước mới nổi tăng trưởng chậm lại, USD mạnh lên, thị trường dầu dư cung và triển vọng mùa vụ kỷ lục đã góp phần kéo giảm giá hàng hóa từ mùa hè. Chỉ số giá năng lượng World Bank giảm 6% trong quý III, sau khi ổn định trong nửa đầu năm 2014.

Ayhan Kose, Giám đốc Tổ chức Triển vọng Phát triển Ngân hàng Thế giới, cho biết, nguồn cung hàng hóa đang tăng trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là tại các thị trường mới nổi, chậm lại.

Tin tốt lành đối với người nghèo thành thị là giá thực phẩm toàn cầu đang giảm từ mức cao nhất năm 2012 và xu hướng này được dự đoán còn tiếp tục đến năm 2015. Dự đoán giá ngô giảm 27% từ 260 USD/tấn năm 2013 xuống 190 USD/tấn năm 2014, trong khi giá gạo và lúa mỳ tương ứng giảm 16 và 9%.

Giá dầu thô bắt đầu giảm từ giữa tháng 6, cho thấy thị trường bắt đầu dư cung và nhu cầu yếu, bất chấp căng thẳng địa chính trị. Giá dầu giảm xuống dưới 90 USD/thùng trong tháng 10 sẽ đưa giá dầu trung bình cả năm 2014 xuống 102 USD/thùng. Giá dầu được dự đoán tiếp tục giảm đến năm 2015.

Năm 2014 dự đoán giá kim loại giảm 5,5%, dẫn đầu là giá đồng đồng và quặng sắt. Giá phân bón dự báo giảm 12% trong năm nay do công suất tại Mỹ tăng mạnh. Giá kim loại quý cũng có xu hướng tương tự khi vai trò trú ẩn an toàn của vàng đối với giới đầu tư ngày càng giảm.

Chỉ số kim loại công nghiệp World Bank dự đoán tăng nhẹ trong năm 2015. Tuy nhiên, giá vàng sẽ tiếp tục ở mức thấp, 1.275 USD/ounce trong năm nay và 1.240 USD/ounce năm 2015, giảm mạnh so với 1.670 USD/ounce năm 2012.

Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ về xu hướng giá giảm, trong đó có gạo do triển vọng mùa vụ không mấy khả quan tại các nước cung cấp châu Á; cà phê arabica – giá đã tăng 23% trong năm nay; và cacao do nguồn cung từ Bờ Biển Ngà bị gián đoạn liên quan đến đại dịch Ebola.

John Baffes, nhà kinh tế học cao cấp tại Tổ chức Triển vọng Phát triển Ngân hàng Thế giới, cho biết, giá hàng hóa thấp hơn sẽ giúp giảm áp lực lên cán cân thanh toán thực phẩm và năng lượng của các nước nhập khẩu, nhưng điều này sẽ làm giảm nguồn thu của các nước xuất khẩu.