Xã hội hóa xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu: Cần cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đủ năng lực
Việc xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu rõ ràng có vai trò quan trọng đối với thị trường trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng.
Theo đó, một trong những giải pháp có chính sách ưu tiên là đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng, kết nối khu vực.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Vừa qua, thực tế nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước đã tăng khá cao so với dự kiến do sự phục hồi kinh tế của nước ta sau dịch bệnh COVID-19; và được dự báo sẽ còn tăng nhanh và tăng mạnh hơn nữa để đáp ứng quá trình hồi phục này, trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng tương ứng.
Đặc biệt, khi mà thị trường mặt hàng xăng dầu trên thế giới có biến động rất bất thường do tác động của các vấn đề mang tính toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến biến động của thị trường xăng dầu trong nước, thì khâu hoạt động trung nguồn cần phải tính đến khả năng dự trữ, đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cho mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống.
Phát biểu tại Tọa đàm Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - những vấn đề đặt ra diễn ra ngày 12/4/2023, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Nghị định 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia đã nêu rõ các loại nhiên liệu gồm xăng ô tô, dầu diesel, mazut, dầu thô, nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Luật Dầu khí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua năm 2022 cũng đã có các cơ chế, chính sách để chúng ta có thể phát triển được hệ thống khai thác và dự trữ xăng dầu, trong đó có bốn khâu được nhấn mạnh xuyên suốt trong các văn bản này bao gồm việc khai thác, chế biến, dự trữ và phân phối xăng dầu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương), hạ tầng dự trữ xăng dầu trong nước mang trên mình 6 vai trò quan trọng: Góp phần giảm thiểu tối đa chi phí vận tải; Bảo đảm chất lượng xăng dầu; Giúp cung ứng xăng dầu kịp thời và nhanh chóng; Duy trì nguồn cung xăng dầu cho các đầu mối tiêu thụ; Chủ động và bình ổn giá khi thị trường dầu mỏ thế giới có sự biến động; Mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và lợi ích gián tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn có kho xăng dầu.
Những năm qua, xác định vai trò của hệ thống dự trữ xăng dầu trong bảo đảm nguồn cung phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có biến động hoặc xảy ra các tình huống bất ngờ, ngay cả khi chưa có Luật Quy hoạch thì các quy định về lập quy hoạch Ngành thông qua Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Bộ Công Thương.
Ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, công tác xây dựng quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu giúp đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các nhà đầu tư đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng dự trữ xăng dầu.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã tổ chức lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 5/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch, bảo đảm nguyên tắc kế thừa có chọn lọc các quy hoạch trước đây, cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữa quy hoạch ngành với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Quy hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đồng thời là định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, mở rộng, hiện đại hoá hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quy hoạch các ngành, lĩnh vực cũng như phù hợp với định hướng phát triển và quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đối với Dự thảo Quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt giai đoạn trước cho thấy, hệ thống kho dự trữ xăng dầu của Việt Nam hiện nay gồm 217 kho, tổng sức chứa khoảng 6,379 triệu m3, trong đó 116 kho có sức chứa đến 5.000m3, 91 kho sức chứa từ 5.000m3 đến 100.000 m3 và 10 kho sức chứa trên 100.000m3. Phân theo loại kho dự trữ xăng dầu tại Việt Nam có kho dự trữ thương mại (kho tiếp nhận đầu mối và kho tuyến sau để kinh doanh nội địa), kho ngoại quan, kho nhiên liệu của nhà máy, kho sân bay; kho dự trữ sản xuất và kho dự trữ quốc gia.
“Theo đánh giá định kỳ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị tư vấn đánh giá cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về dự trữ và cung ứng xăng dầu. Và có thể nói, không phát sinh tình trạng đứt gãy cung ứng do thiếu hạ tầng”, ông Nguyễn Hoàng Giang cho hay. Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt đã được đầu tư tương đối hiệu quả và cũng góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của xã hội cả trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động thị trường.
Dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá nguồn vốn đầu tư hạ tầng kho xăng dầu thời gian qua đa số không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ.
Hiện nay theo thống kê, có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, với chủ lực là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) và Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.
Rõ ràng, vai trò của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu khá quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp.
“Trong Dự thảo Quy hoạch 2021-2030, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội. Còn nguồn lực của ngân sách nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia”, ông Nguyễn Hoàng Giang thông tin.
Dù vậy, cần nhìn nhận thực tế là hoạt động dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, cả về mặt bằng, trang thiết bị, công nghệ nhằm đảm bảo tránh hao hụt, cung ứng đúng, đủ, kịp thời, phòng ngừa rủi ro và phòng chống cháy nổ cũng như bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải cho biết, để các doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ rất khó, bởi cần nguồn lực về tài chính rất lớn không chỉ trong đầu tư xây dựng mà cả trong quá trình vận hành sau đó.
Dù các ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn để kinh doanh, nhưng yêu cầu phải đáp ứng được 3 nguyên tắc tiếp cận tín dụng ngân hàng: Có mục đích, có kế hoạch và có tài sản tương ứng đảm bảo; hoàn trả vốn và lãi đúng thời hạn.
“Các doanh nghiệp khi đưa ra phương án kinh doanh, vay vốn lớn như thế tất cả các đơn vị ngân hàng đều không dám cho vay”, ông Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ.
Về việc này, bà Hoàng Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phân tích, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, ngân hàng nhận tiền gửi của dân thì phải có trách nhiệm sử dụng tiền hiệu quả, đúng mục đích và có khả năng thu hồi để đảm bảo khả năng chi trả cho người dân. Bên cạnh đó, định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, với quan điểm nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo Dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống xăng dầu, dự trữ cung ứng khí đốt quốc gia đến năm 2030 lên tới khoảng 270.000 tỷ. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn như: nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác liên quan đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để cho các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở đánh giá dự án đó có khả thi, có khả năng trả nợ hay không mới quyết định cho vay.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp tiếp giảm. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận vốn.
Ông Vũ Thành Nam - Đại diện Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, pháp luật về xây dựng có quy định về 8 loại công trình xây dựng bao gồm: Công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình an ninh quốc phòng và công trình có công năng hỗn hợp.
Trong đó, kho dự trữ xăng dầu được xếp vào loại công trình công nghiệp dầu khí. Đây là công trình có công năng dự trữ để cung cấp nhiên liệu xăng dầu cho khu vực hoặc trên một địa bàn nhất định. Do đó, bên cạnh việc phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành công nghiệp thì các dự án kho xăng dầu phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hạ tầng kỹ thuật; các tiêu chuẩn xây dựng về nền móng công trình, các tiêu chuẩn thiết kế kết cấu thép và kết cấu bê tông cốt thép…
Thực tế cho thấy, đã có nhiều chủ đầu tư hoàn thành việc thi công xây dựng các kho xăng dầu theo đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, không ít các dự án đã nằm trong quy hoạch nhưng không được triển khai, có thể do một số nguyên nhân chủ yếu như không thu xếp được nguồn vốn cho dự án hoặc do chủ đầu tư không đảm bảo được điều kiện năng lực. Cũng có thể là do ít nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19…
Theo ông Vũ Thành Nam, để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, cần tiếp tục rà soát để có những chính sách phù hợp. Cần tăng cường thông tin tuyên truyền trong xã hội về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm được năng lực, kinh nghiệm.
“Năng lực, kinh nghiệm ở đây, theo tôi hiểu là bao gồm sự am hiểu về dây chuyền công nghệ của dự án. Thứ hai là có kinh nghiệm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án và cũng phải bảo đảm các điều kiện năng lực tài chính để thực hiện dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng đã được phê duyệt”, đại diện Bộ Xây dựng nêu rõ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) cho rằng, nên tiếp tục duy trì những chính sách trong các quy hoạch trước mà trên thực tiễn đã đầu tư rồi, triển khai rồi và có hiệu quả, để đảm bảo tính kế thừa.
Mặt khác, ngày 31/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP để cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cũng xác định có 5 nhóm giải pháp. Đó là hoàn thiện chính sách để tạo lập môi trường đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; mở rộng khả năng tham gia của khối khu vực kinh tế nhân để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng hơn; phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân; tiếp tục hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới và hiện đại hóa các nguồn nhân lực để nâng cao năng suất; và cuối cùng là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Trong Dự thảo Quy hoạch Bộ Công Thương đang trình để thẩm định, cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp để thu hút vốn đầu tư triển khai quy hoạch. Trong đó, đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kho dự trữ quốc gia. Đẩy mạnh tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư FDI và của các thành phần kinh tế khác. Các doanh nghiệp trước đây đã tham gia thì phải tái cấu trúc lại hệ thống để tiếp tục đầu tư. Đa dạng hóa các hình thức vay vốn. Thực hiện cái đẩy mạnh liên doanh, liên kết để thu hút vốn đầu tư về hạ tầng dự trữ. Khuyến khích các thành quyền kinh tế cùng tham gia đầu tư.