Xây chắc những niềm tin
Vậy là năm 2020 đầy biến động với toàn thể nhân loại đã khép lại. Vòng quay thời gian mở ra những ngày đầu tiên của năm Tân Sửu 2021 bằng muôn vàn tia nắng ấm áp hàm chứa bao hy vọng. Dù vậy, đại dịch Covid-19 vẫn còn là nỗi ám ảnh từ châu Âu, châu Á, Bắc Trung Mỹ cho đến Nam bán cầu.
Đã rất lâu rồi toàn cầu mới trải qua một thử thách tự nhiên, đẩy nhân loại vào vòng xoáy của cuộc chiến chống quy luật đào thải, cuộc chiến sinh tồn quyết liệt và cấp bách đến thế. Đó cũng là lúc mỗi quốc gia, dân tộc đều phải soi lại mình, hiểu được thêm các giá trị nội tại để nhận ra, trong một thế giới biến động, sự giàu sang, phát triển không đồng nghĩa với bền vững, bình an. Con số hơn 90 triệu người nhiễm Covid-19, xấp xỉ 2 triệu người tử vong tại hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ chắc chắn chưa dừng lại và tiếp tục ám ảnh sâu sắc trong tâm khảm của không ít người.
Trong bối cảnh đó mới thấy quyết tâm, tinh thần đoàn kết, sẻ chia yêu thương, điều làm nên giá trị bền vững của dân tộc Việt Nam mạnh mẽ đến nhường nào. Thông điệp chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước lan tỏa đến mỗi cá nhân người Việt Nam trong và ngoài nước, tạo nên sức mạnh, quyết tâm chống dịch bệnh sâu rộng từ các bộ, ngành, địa phương. Ba lần đại dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng đều được chúng ta dập tắt hiệu quả trong sự ngạc nhiên, khâm phục của thế giới.
Song song với phòng, chống dịch Covid-19 thành công, con số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 là kỳ tích gây ngạc nhiên hơn nữa với thế giới, nhân loại. GDP năm 2020 đạt 2,91%, dù thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng so với mức sụt giảm của hầu hết các quốc gia trên thế giới mới thấy giá trị lớn lao và sức chịu đựng trước thử thách khốc liệt của một nền kinh tế trẻ giàu nội lực.
Đóng góp vào thành công chung của đất nước, vai trò then chốt và quan trọng của ngành Tài chính tiếp tục được tô thắm, khẳng định. Ngay từ cuối tháng 3/2020, khi Việt Nam lần đầu có ca nhiễm Covid-19, Bộ Tài chính đã nhanh nhạy, chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020 NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hộ kinh doanh.
Với khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuê đất, tiền thuế, phí và lệ phí được gia hạn hoặc miễn, giảm của năm 2020 đã góp phần “tiếp sức” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng sức chịu đựng trước mặt trái của dịch bệnh. Việc đề xuất thực hiện các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước trên 6.000 tỷ đồng là con số đầy ý nghĩa.
Song song với đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bằng công cụ giảm, giãn thuế, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, với số tiền là trên 18 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, để hỗ trợ người dân giảm gánh nặng khó khăn về kinh tế do tác động của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP “về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.
Theo đó, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với mức hỗ trợ từ 500.000 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Đây là khoản ngân sách không nhỏ, chưa từng có tiền lệ và mang tính cấp bách dành cho người dân và doanh nghiệp, giúp chia sẻ bớt gánh nặng khó khăn. Nó thực sự là phao cứu sinh để góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trong năm 2020, ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm...
Hiểu được vai trò quan trọng của dòng vốn đầu tư công, trong năm 2020, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bố trí gần 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công (gồm 470,6 nghìn tỷ đồng dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang), gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Những công trình lớn như Sân bay Long Thành, Cao tốc Bắc-Nam được khởi động phần nào giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, người lao động có thêm việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Hàng trăm công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng trên khắp nước được đẩy mạnh triển khai giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc đến các quốc gia an toàn hơn. Không chỉ “lót ổ” đón “đại bàng”, thành công kép của năm 2020 thúc đẩy quyết tâm khởi nghiệp, sáng tạo mà Đảng, Nhà nước đang làm tất cả từ đầu nhiệm kỳ để có một giai đoạn 2016-2020 đầy ý nghĩa.
Nếu như chọn một hình ảnh đẹp của năm 2020 về kinh tế - tài chính, chắc chắn cột mốc trên nghìn điểm mà chỉ số VN-Index và thị trường chứng khoán Việt Nam chinh phục thành công những ngày cuối năm 2020 là dấu ấn về niềm tin ngày càng được củng cố và xây chắc. Cùng với đó, việc huy động thành công trên 333 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với lãi suất thấp đã góp phần khiến kinh tế vĩ mô vận hành bền vững trước biến cố, khó khăn.
365 ngày đã ở lại phía sau lưng, với riêng Việt Nam, thành công của công tác chống dịch, thành công của tăng trưởng kinh tế, kết quả ấn tượng của đại hội đảng các cấp, tạo tiền đề để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công rực rỡ đầu năm 2021, đây cũng là mốc son để đất nước bước vào năm đầu tiên của thập kỷ thứ 3, thiên niên kỷ hai nghìn với nét khởi sắc thấy rõ. Những ngày này, việc Việt Nam tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 với sự tình nguyện tham gia của hàng trăm người, cho thấy sự khích lệ lớn về năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Khép lại hành trình đầy thử thách của năm 2020, tự tin bước vào năm 2021, chúng ta vui mừng trước sự trui rèn của đất nước trong khó khăn, thử thách. Vật cản và khó khăn khách quan không thể làm lu mờ mục tiêu phát triển, vươn tới sự hùng cường mà Đảng, Nhà nước đã vạch ra cho dân tộc vào năm 2045.
Và nếu chọn hình ảnh của Việt Nam đáng nhớ nhất năm 2020, chắc chắn là hình ảnh hàng vạn người chiến sỹ áo trắng thâu đêm đối mặt với hiểm nguy để chiến thắng đại dịch Covid-19; hàng vạn cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang dãi nắng, dầm sương bảo vệ biên giới, ngăn chặn sự nhập cảnh trái phép. Đó là hình ảnh những người bộ đội Cụ Hồ hy sinh anh dũng vì tính mạng nhân dân trong bão lũ lịch sử của miền Trung. Đó là hình ảnh hàng triệu người Việt Nam nhường cơm, sẻ áo cho đồng bào trong khó khăn, hoạn nạn.
Với gia tài đó, chắc chắn không có gì ngăn trở dân tộc và mỗi người dân Việt Nam hướng tới kỷ nguyên của phát triển, văn minh. Phải chăng, niềm tin bền vững sẽ là món quà xuân ý nghĩa để chúng ta đạt được những dự định đề ra, hoà niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi cá nhân vào thành công chung của đất nước, dân tộc trong Xuân Tân Sửu 2021.