Xây dựng Bộ Tiêu chí nông thôn mới hiện đại gắn với giảm nghèo bền vững
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Tiêu chí nông thôn mới (NTM) nên được cập nhật theo mức độ phát triển kinh tế - xã hội để áp dụng mức độ tiêu chí phù hợp, trong đó bổ sung Bộ Tiêu chí xã NTM hiện đại, đảm bảo lồng ghép hiệu quả với Chương trình Giảm nghèo bền vững.

Ngày 25/7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội thảo Tham vấn Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM các cấp giai đoạn 2026 - 2030.
Rà soát, điều chỉnh lại các tiêu chí, đảm bảo sát với thực tế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh: Bộ Tiêu chí NTM giai đoạn 2026 - 2030 đã được xây dựng dựa trên đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương từ cuối năm 2024 và trải qua nhiều cuộc góp ý trong thời gian qua.
Tuy nhiên, với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, cũng như những thay đổi trong điều kiện phát triển của các vùng nông thôn, việc rà soát, điều chỉnh lại các tiêu chí là cần thiết để đảm bảo tính khả thi, sát với thực tế.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc sửa đổi Bộ Tiêu chí NTM lần này không chỉ là cập nhật nội dung, mà còn hướng đến tăng quyền chủ động cho các địa phương trong triển khai chương trình NTM.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Bộ Tiêu chí lần này là việc phân chia các xã thành 3 nhóm, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, địa hình và định hướng quy hoạch.
Nhóm 1 gồm các xã nghèo, xã thuộc khu vực II và III, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhóm 2 là các xã có tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm từ 70% trở lên trong tổng diện tích tự nhiên. Nhóm 3 bao gồm những xã đang đô thị hóa, tiếp giáp phường, có mật độ dân số từ 1.000 người/km² trở lên hoặc tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế dưới 10%.
Việc phân nhóm nhằm đảm bảo mỗi địa phương được áp dụng hệ thống tiêu chí phù hợp với khả năng và mục tiêu phát triển cụ thể. Thay vì một khuôn mẫu áp dụng chung, các xã sẽ có lộ trình, tiêu chí và mức độ yêu cầu khác nhau, từ đó giúp các địa phương chủ động hơn trong lập kế hoạch và triển khai.
Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tiêu chí NTM quốc gia đã phát huy vai trò là công cụ định hướng và giám sát hiệu quả cho các địa phương.
Đến nay, nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ thực hiện cao. Cụ thể, 7 tiêu chí gồm quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại, thông tin - truyền thông, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh đều có trên 95% số xã đạt chuẩn. Vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục dẫn đầu cả nước về tỷ lệ xã và huyện đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, một số tiêu chí như thu nhập, giảm nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế; việc ban hành bộ tiêu chí muộn (tháng 3/2022) cũng ảnh hưởng tiến độ triển khai.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Tiêu chí NTM sẽ được cập nhật với nhiều điểm mới như: Phân chia xã thành 3 nhóm theo mức độ phát triển; bổ sung bộ tiêu chí xã NTM hiện đại; tăng phân cấp cho địa phương; lồng ghép hiệu quả với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, đặc biệt là Chương trình Giảm nghèo bền vững.
Xác định rõ vai trò của từng nhóm tiêu chí
Góp ý xây dựng Bộ Tiêu chí NTM trong giai đoạn 2026 - 2030, các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ vai trò và nội hàm của từng nhóm tiêu chí là hết sức cần thiết.
PGS., TS. Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Môi trường là một trong 3 nhóm tiêu chí cơ bản trong bộ ba của các nhóm tiêu chí về kinh tế - xã hội và môi trường để phát triển bền vững nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Do vậy, việc xây dựng các tiêu chí NTM cấp xã và cấp tỉnh phải thể hiện rõ nhóm các tiêu chí môi trường.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, bà Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, các tiêu chí quy hoạch và cơ sở hạ tầng cần phát huy vai trò là trụ cột, định hình không gian sống chất lượng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực tổ chức cộng đồng và thích ứng với các xu hướng phát triển hiện đại như đô thị hóa, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu.
Theo bà Phạm Thị Nhâm, việc phân tầng theo cấp độ xã NTM, NTM nâng cao, NTM hiện đại và phân nhóm xã theo vùng miền khó khăn, xã đô thị hóa, xã phổ biến gắn với sản xuất nông nghiệp và phân định rõ vai trò giữa cấp xã và cấp tỉnh không chỉ giúp Bộ Tiêu chí khả thi hơn trong thực tiễn triển khai, mà còn tạo cơ sở cho một quá trình phát triển nông thôn hiệu quả, bao trùm và bền vững.
Đồng quan điểm, ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, nội hàm của xây dựng NTM hiện đại cần tập trung vào hệ thống cơ sở hạ tầng tiệm cận tiêu chuẩn đô thị; thu nhập của người dân nông thôn tiệm cận mức thu nhập của người dân đô thị; đời sống văn hóa gần với chuẩn mực đô thị nhưng vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường được bảo vệ xanh, sạch, đẹp và thích ứng với biến đổi khí hậu; an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo.
Trong đó, cần phân ra các xã như: Xã vùng cao, bãi ngang, nghèo (tỷ lệ hộ nghèo trên 10%), xã vùng nông nghiệp, xã vùng quy hoạch phát triển đô thị.
Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ đồng thuận với Dự thảo Bộ Tiêu chí NTM đối với cấp xã, trong đó các xã được phân thành 3 nhóm dựa trên mức độ phát triển gồm: Nhóm 1: Các xã nghèo, xã khu vực II (xã khó khăn) và khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhóm 2: Các xã có diện tích đất nông nghiệp chiếm từ 70% tổng diện tích tự nhiên trở lên. Nhóm 3: Các xã giáp phường với mật độ dân số từ 1.000 người/km² trở lên (tính đến 1/7/2025), hoặc xã được hình thành từ việc sáp nhập với thị trấn (trước 1/7/2025), hoặc xã có tỷ trọng ngành nông nghiệp dưới 10% trong cơ cấu kinh tế, hoặc xã được định hướng phát triển thành đô thị mới.