Xây dựng chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ
(Tài chính) Phát triển công nghiệp hỗ trợ được coi là giải pháp then chốt giúp Việt Nam chủ động các nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị để sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để làm được điều này, theo ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng, Bộ Công thương, cần xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp tham gia.
Ông Trương Thanh Hoài: Theo tôi, công nghiệp hỗ trợ phải được xem là nền tảng, xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Trong một số ngành thì sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm tới 80 đến 90% giá trị của sản phẩm chính. Như vậy công nghiệp hỗ trợ sẽ quyết định giá thành sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từ đó quyết định đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nếu công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh, chúng ta có thể giảm nhập siêu, duy trì nguồn vốn FDI và bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được thảo luận cách đây nhiều năm. Đến nay, công nghiệp hỗ trợ của nước ta đã đạt đến mức độ nào thưa Phó vụ trưởng?
Hiện nay, theo Quyết định 12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng ta đang tập trung phát triển ở một số ngành như: cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may và da giầy. Hiện nay tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp tại Việt Nam thì ngành xe máy đạt được thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ cung ứng nội địa cho các nhà lắp ráp thấp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chính vẫn do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đảm nhận. Có thể đánh giá rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa của Việt Nam còn quá non trẻ, bước khởi đầu còn nhiều yếu kém, cần phải nỗ lực và cần nhà nước hỗ trợ mới đạt được yêu cầu phát triển của đất nước.
Các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ luôn được các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đưa ra, nhưng tại sao kết quả đạt được vẫn rất hạn chế?
Theo tôi, có một số nguyên nhân chính. Về nguyên nhân khách quan, một trong những điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp hỗ trợ là dung lượng thị trường phải đủ lớn. Trước đây dung lượng thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa đủ lớn, phân tán, đa dạng nên quy mô các ngành công nghiệp hỗ trợ càng nhỏ. Trong thời gian gần đây, có một số dự án FDI trong các ngành như điện tử có quy mô lớn đã tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn. Tuy nhiên cũng phải nói, đây chỉ là điều kiện cần để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nguyên nhân thứ hai là sau khi gia nhập WTO, chúng ta không còn các hàng rào bảo hộ như tỷ lệ nội địa hóa, hàng rào thuế suất... nên sản phẩm của Việt Nam càng khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là yếu tố chuyển giá.
Về chủ quan, tôi cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất tương đối thấp và sản phẩm chủ yếu là các linh kiện giản đơn, khó tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp tập đoàn đa quốc gia. Mà muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia này thì các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe mà các điều kiện này thường theo chuẩn mực quốc tế chứ không phải do doanh nghiệp tự tạo ra. Đây là điểm đặc biệt nhất giữa công nghiệp hỗ trợ và ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Vậy trong dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, sẽ có những điểm nhấn đáng chú ý nào về chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này?
Thay vì tập trung vào các ưu đãi thì dự thảo nghị định lần này tập trung vào ươm tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ sản xuất của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia; xây dựng các trung tâm hỗ trợ ở các vùng kinh tế trọng điểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Lãi suất cho vay của chúng ta hiện đang cao, so sánh với các doanh nghiệp của nước ngoài thì họ được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Vì vậy, dự thảo Nghị định cũng đề xuất hình thành quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ, trong đó Nhà nước góp vốn chỉ mang tính chất là vốn điều lệ, vốn mồi còn chủ yếu là kêu gọi các nguồn vốn hợp pháp khác như ODA, tổ chức phi chính phủ để tạo quỹ đầu tư phát triển hỗ trợ. Chúng tôi cũng có đề xuất về các cụm công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nhỏ.
Kinh nghiệm của Nhật Bản là xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia trước, từ đó định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Vậy chúng ta đã xác định được sản phẩm chủ lực để định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp hay chưa?
Về định hướng các sản phẩm chủ lực, tại Quyết định 879 ngày 9.6.2014 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đã xác định được các ngành công nghiệp chủ lực như ngành cơ khí, trong giai đoạn đến 2025 thì ưu tiên các nhóm ngành máy móc phục vụ nông nghiệp, ô tô chuyên dụng, phụ tùng cơ khí và thép chế tạo. Đối với ngành điện tử, viễn thông là các sản phẩm máy tính, điện thoại, linh kiện và giai đoạn sau năm 2025 là phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử, y tế. Đối với ngành dệt may và da giầy, đến năm 2025 tập trung vào nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Sau giai đoạn 2025 mới ưu tiên sản xuất các sản phẩm quần áo thời trang hoàn chỉnh và giầy cao cấp, tức là lúc đó chúng ta phải làm chủ được chuỗi giá trị dệt may và da giầy.
Trong điều kiện nguồn lực trong nước hạn hẹp, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được tính tới từ lâu, nhưng kết quả đạt được cũng còn khá hạn chế. Thời gian tới, cần làm gì để khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này?
Thực tế đặc điểm của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc vào ngành công nghiệp chính và nằm trong chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp lắp ráp có mối quan hệ liên kết mật thiết với nhau trong quy trình sản xuất. Mối liên hệ này sẽ dẫn đến yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hệ thống và tập trung theo khu vực. Đặc điểm này của công nghiệp hỗ trợ dẫn đến một số điểm cần lưu ý trong việc phát triển ngành này. Thứ nhất là do tính hệ thống, công nghiệp hỗ trợ có thể phát triển trong những điều kiện đặc biệt nhất định, ví dụ như thị trường lớn, sản xuất có lợi thế. Thứ hai là các chính sách phát triển cũng cân nhắc đặc điểm của ngành. Để khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cần tạo thị trường đầu ra với dung lượng đủ lớn cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong giai đoạn trước mắt chúng ta vẫn phải tập trung có các ưu đãi đủ sức hấp dẫn để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với các dự án quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Trên cơ sở đó, tùy lợi thế cạnh tranh, các nhà đầu tư FDI sẽ lựa chọn và họ sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đủ khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chứ không trông chờ vào doanh nghiệp FDI. Phó vụ trưởng đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Chúng tôi nhận thức rất rõ, nếu chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI thì không thể tạo ra năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh cho công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thẳng vào thực trạng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ta hiện nay, đa phần là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế. Trong giai đoạn trước mắt, ngoài sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, Nhà nước cần có sự hỗ trợ toàn diện, quyết liệt hơn nữa về các mặt như tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp, nâng cao trình độ năng lực sản xuất bao gồm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tín dụng… Đồng thời, cần thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ngoài vào, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của chúng ta có thể làm thầu phụ, nhà cung cấp lớp 2, từ đó dần dần nâng cao trình độ và tiến tới trở thành nhà cung ứng lớp 1.
Xin cám ơn Phó vụ trưởng!